Sự giàu có của giới thượng lưu tỷ lệ thuận với lượng phát thải carbon

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2021, nhóm 1% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho 15% lượng phát thải toàn cầu. Sự giàu có ngày càng gia tăng của họ tỷ lệ thuận với lượng carbon tích tụ trong không khí.

Quyết định mua sắm của người giàu có ý nghĩa lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Sự thay đổi thói quen chi tiêu của người giàu được cho là có tác động lớn tới lượng phát thải carbon. Ảnh minh họa

Nhà nghiên cứu Ilona Otto và các đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu Potsdam (Đức) ước tính, một gia đình “siêu giàu” gồm hai người (có tài sản ròng hơn 1 triệu USD) có lượng khí thải carbon là 129 tấn CO2/năm, nghĩa là mỗi người thải ra khoảng 65 tấn CO2/năm, gấp hơn 10 lần mức trung bình toàn cầu.

Theo báo cáo công bố hồi đầu năm 2022, Tổ chức Oxfam ước tính rằng, lượng phát thải CO2 của 1% những người giàu nhất lớn gấp đôi 50% người nghèo nhất trên thế giới, dẫn đến biến đổi khí hậu trong suốt năm 2020 và 2021, gây ra cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy, mất mùa và nạn đói.

Lượng khí thải carbon trung bình của một người thuộc nhóm 1% giàu nhất thế giới có thể gấp 175 lần so với một người thuộc nhóm 10% nghèo nhất. Vì vậy, quyết định mua sắm của người giàu có ý nghĩa hơn nhiều trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu so với quyết định của hầu hết mọi người.

Những người gây phát thải nhiều nhất cũng có năng lực lớn nhất để thay đổi tình hình. Qua nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với người nghèo, nhưng khi xét đến hành động, mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi, người nghèo không thể làm gì bởi họ còn bận tìm cách sống sót.

Một số chuyên gia cho rằng, giới thượng lưu còn có thể bảo vệ trái đất thông qua từng hành động trong cuộc sống, như thay đổi thói quen chi tiêu, đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, mua xe điện, tránh sử dụng chuyên cơ quá nhiều, đồng thời mua các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng thoái vốn khỏi các ngành gây tổn hại môi trường.

Hiện nay, có một xu hướng đang nổi lên là các nhà đầu tư giàu có bán cổ phần của họ, thoái vốn khỏi các ngành gây hại cho khí hậu. Hơn 1.100 tổ chức và 59.000 cá nhân, với tổng tài sản 8,8 nghìn tỷ USD đã cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch thông qua phong trào trực tuyến DivestInvest.

Lấp đầy sự thiếu hụt ngân sách cho cuộc chiến khí hậu bằng sự tham gia của tư nhân

Theo các chuyên gia, những người giàu có thể tham gia đóng góp tích cực hơn trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, đặc biệt giữa lúc các lãnh đạo thế giới đang tìm đến nguồn vốn tư nhân để huy động đủ ngân sách ứng phó thách thức to lớn.

Báo cáo tài chính của Liên hợp quốc cho biết, các chính phủ cần đầu tư gấp 4 lần trong quá trình chuyển đổi này. Không chính phủ nào trên trái đất có thể tự lấp đầy sự thiếu hụt ngân sách đó. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia đầy đủ của lĩnh vực tư nhân.

Nhiều tỷ phú cũng đã cam kết hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những khoản ngân sách khá lớn.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tháng 11/2021 tại Glasgow (Vương quốc Anh), Tập đoàn Amazon đã tuyên bố đóng góp 2 tỷ USD nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm, phục hồi cảnh quan tại châu Phi và Mỹ, là một phần trong cam kết chi 10 tỷ USD chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ này của Amazon.

Tập đoàn Amazon cũng thành lập Quỹ Khí hậu 2 tỷ USD để đầu tư vào các công nghệ mới cần thiết cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế không carbon. Các mục tiêu nội bộ của Amazon bao gồm triển khai 100.000 xe điện giao hàng vào năm 2030, hỗ trợ những công nghệ giảm thiểu carbon trong điện toán đám mây.

Trong khi đó, Microsoft đặt ra những mục tiêu khí hậu được cho là tham vọng hàng đầu giới công nghệ, bao gồm trở thành doanh nghiệp "âm carbon" vào năm 2030, có nghĩa là loại bỏ nhiều carbon khỏi không khí hơn so với lượng mà công ty thải ra. Mục tiêu đến năm 2050 của tập đoàn là loại bỏ toàn bộ lượng carbon mà Microsoft đã thải ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ sử dụng điện năng kể từ khi công ty được thành lập năm 1975.

Tỷ phú Elon Musk hồi tháng 2/2021 cũng đã tuyên bố tài trợ 100 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận XPrize tổ chức một cuộc thi toàn cầu kéo dài 4 năm, nhằm tìm kiếm giải pháp hướng tới mục tiêu loại bỏ 10 gigaton carbon mỗi năm vào năm 2050. Ngoài ra, vị tỷ phú này còn tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để vận động đánh thuế carbon và chống lại quan điểm phủ nhận các vấn đề khí hậu…

Tại COP26, 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.

Tại COP26, Việt Nam đã cùng 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Đây là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.