Chú thích ảnh
Vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang EU bằng xe rơ moóc giúp giảm thời gian giao hàng.

Hãng phân phối giày Hamm Market Solutions kỳ vọng lô hàng trong bộ sưu tập thu đông năm nay được sản xuất ở Quảng Đông, Trung Quốc sẽ tới kho ở Đức đúng hạn. Nếu không, hãng sẽ phải bán hạ giá sâu 84.000 đôi giày nhập khẩu.

Werner Prigandt, chuyên gia trưởng về logistics của Hamm Market Solutions, hiểu rằng sẽ rất mạo hiểm nếu sử dụng hình thức vận tải bằng đường biển, dù đó là cách hãng thường làm. Nguyên nhân là tình cảnh “tắc đường” ở các cảng biển vì thời gian tháo dỡ hàng kéo dài, cùng với đó là tình trạng thiếu hụt vỏ container.

Một số nhà nhập khẩu châu Âu cũng chuyển hướng sang vận tải đường sắt, coi đó là giải pháp thay thế. Nhưng Prigandt vẫn lo ngại sẽ rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vỏ container tàu hỏa. Còn vận chuyển giày bằng đường không đương nhiên không khả thi, vì chi phí quá cao.

Vì thế, tháng 7 vừa qua, nhà cung ứng của Hamm đã chất lô giày nhập khẩu lên 12 xe rơ moóc. 11 xe đã đến đích đúng hạn, tập kết hàng tại trụ sở của Hamm ở thành phố phố Osnabruck, miền tây bắc nước Đức. Hamm nhờ đó có điều kiện phân phối lô hàng này tới hệ thống các cửa hiệu vào tháng trước.

Prigandt cho biết vận tải hàng hóa bằng xe tải từ Trung Quốc qua châu Âu không phụ thuộc vào nguồn cung vỏ container. Dù có một xe bị tắc gần cửa khẩu Manzhouli trên biên giới Nga - Trung Quốc vì có một ổ dịch COVID-19 bùng phát, nhưng nhìn chung Hamm hài lòng với tình hình hiện nay.

Vận chuyển hàng hóa bằng xe tải trở thành hình thức thay thế được nhiều nhà nhập khẩu châu Âu lựa chọn trong năm nay. Thực tế, 2/3 các chuyến hàng vận tải đường biển toàn cầu giao hàng trong tháng 8 đều bị chậm, với độ trễ trung bình 7,6 ngày so với dự kiến.

Vận tải đường sắt từ Trung Quốc sang châu Âu cũng bị ách tắc hơn thường lệ, do liên quan đến dịch bệnh COVID-19 ở vùng Tân Cương, Trung Quốc, cùng với đó là việc tu sửa đường sắt đoạn chạy qua Ba Lan, vốn là cung đường mà phần lớn tàu hàng phải chạy qua để sang Tây Âu. Hai nhân tố này khiến việc vận chuyển hàng bị chậm thêm khoảng 1 tuần.

Về chi phí, giá thành vận chuyển một container tiêu chuẩn từ châu Á sang Bắc Âu hiện cao gấp sáu lần so với một năm trước đây, lên mức 14.492 USD/container trong tuần trước - theo chỉ số Freightos Baltic Index (FBX) chuyên về đo lường biến động cước phí vận chuyển container trên toàn cầu. Cước vận tải hàng không giữa Trung Quốc với châu Âu cũng cao hơn 50% so với 1 năm trước.

Giá vận tải bằng xe rơ moóc cũng tăng. Nhưng với những nhà nhập khẩu mà vấn đề thời điểm giao hàng trở thành yếu tố cấp thiết nhất như Hamm, mức giá này có thể vẫn hấp dẫn. Theo dữ liệu của công ty giao nhận vận tải Doerrenhaus (Đức), cước vận chuyển hàng hóa bằng xe tải từ Trung Quốc sang châu Âu có thể đắt gấp đôi so với đường biển, nhưng bù lại có thể rút ngắn từ 1/3 - 1/2 thời gian nhận hàng.

Có rất nhiều công ty logistics của châu Âu như Doerrenhaus, Hellmann Worldwide Logistics hay DHL International đã khai trương dịch vụ vận tải bằng xe rơ moóc từ nửa cuối năm 2020, khi vận tải đường biển lộ rõ dấu hiệu căng cứng. DHL một tuần điều khoảng 30 - 50 xe, con số đó của Doerrenhaus là khoảng 30 xe/tháng.

Về lộ trình, Hellmann và nhiều nhà vận hành khác lựa chọn hành trình xuất phát từ các trung tâm chế tạo ở duyên hải miền bắc Trung Quốc, đi tới biên giới Nga. Tại đây, hàng hóa sẽ được cất bốc sang xe tải do lái xe của Nga hoặc Belarus lái, đưa hàng từ đây sang khu vực Tây Âu.

“Đường cao tốc lên biên giới tại Trung Quốc đặc biệt hoàn hảo. Đường bộ tại Nga và Kazakhstan cũng tốt, việc di chuyển chỉ khó ở nút cổ chai biên giới. Hoạt động đi lại đều rất mượt mà ở châu Âu, trừ khi có bùng phát ca nhiễm COVID-19” - Dieter Mauritz, người đứng đầu mảng vận tải từ Trung Quốc tại Hellmann nói.

Nhiều nước quan tâm đến vận tải đường sắt. Nhưng số liệu do hãng khảo sát thị trường HIS Markit cung cấp cho thấy vận tải đường bộ từ Trung Quốc sang châu Âu trong vài năm trở lại đây đạt mức sản lượng cao hơn đường sắt. Năm ngoái, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 41 tỉ USD của EU và Anh được vận chuyển bằng đường bộ.

Riêng trong năm nay, vận tải đường bộ tăng vọt. Liên minh Vận tải Đường bộ Quốc tế (IRTU) có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) cho biết chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ từ Trung Quốc sang EU đã tăng 33% trong 8 tháng năm 2021, cao gấp 3 lần so với mức tăng trung bình của hoạt động vận tải.

Giới phân tích nhận định, nhu cầu chuyển hàng bằng xe tải trên cung đường Trung Quốc – EU có thể sẽ giảm, khi vận tải đường biển trở lại mức bình thường. “Nhưng từ nay đến lúc đó có thể cũng phải mất đến một năm” - ông Mauritz nhận định.