Việt Nam thuộc nhóm nước sở hữu nhiều NFT nhất

Mới đây, ông James Estaugh – Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán và bà Nguyễn Minh Châu – Giám đốc Dịch vụ khách hàng, Khối Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, đã có bài viết phân tích về các loại tài sản mã hóa (TSMH) phổ biến hiện nay, trong đó nhận định về tương lai của loại tài sản đặc biệt này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo bài viết này, doanh thu của thị trường TSMH toàn cầu có thể đạt tới 56,42 tỷ USD vào cuối năm 2023. Số lượng người tham gia thị trường này có thể lên tới 994,3 triệu người vào năm 2027.

Trong các loại TSMH, tiền ảo được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, TSMH cần được hiểu là một khái niệm rộng hơn. Đó là tất cả những tài sản được tạo ra và trao đổi trên các nền tảng chuỗi khối (blockchain).

NFT là loại TSMH đại diện cho một tài sản hữu hình hoặc vô hình, bao gồm tác phẩm nghệ thuật, video, thẻ game, thậm chí là một dòng tweet. Đúng như tên gọi của mình, các TSMH này không thể dùng để đổi lấy TSMH cùng loại khác, vì mỗi NFT là độc nhất.

NFT đã có mặt trên thế giới từ khoảng năm 2014 nhưng chỉ trở nên thông dụng gần đây. Năm 2021, giao dịch NFT trị giá 69,3 triệu USD tại một cuộc đấu giá NFT của nghệ sĩ Beeple đã gây tiếng vang lớn. Tổng giá trị giao dịch NFT toàn cầu chỉ riêng tháng 3/2023 đã đạt hơn 1,95 tỷ USD.

4 loại TSMH không phải là tiền ảo thông dụng nhất hiện nay là: tiền điện tử của ngân hàng trung ương (“Central bank digital currencies” - CBDCs), tiền ảo neo theo tài sản ổn định (“Stablecoins”), tài sản thực được mã hóa (“Tokenised assets”) và TSMH không thể thay thế (“Non-fungible tokens” - NFT).

Mặc dù chưa cho phép sử dụng tiền ảo để mua bán nhưng Việt Nam vẫn dành mối quan tâm lớn đến xu hướng phát triển của công nghệ blockchain và thị trường TSMH trên toàn cầu và trong khu vực. Năm 2021, Thủ tướng một lần nữa khẳng định định hướng phát triển nền kinh tế số hóa, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo trong giai đoạn 2021-2023. Cùng năm, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về CBDC.

Thị trường tài sản mã hóa hứa hẹn nhiều cơ hội mới
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số lượng người sở hữu lượng NFT lớn nhất

Hiện nay, chưa có cập nhật về đồng CBDC hay tài sản tài chính được mã hóa nào được phát hành tại Việt Nam, và chỉ mới ghi nhận một số đồng stablecoin neo theo Đồng Việt Nam được phát hành bởi các tổ chức nước ngoài.

Tuy nhiên, thị trường NFT tại Việt Nam lại khá sôi động. Theo một khảo sát của Finder, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có số lượng người sở hữu lượng NFT lớn nhất trong số các quốc gia được khảo sát vào năm 2021. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách 20 nền kinh tế nắm giữ nhiều NFT nhất (17,4%). Giữa năm 2022, một số nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đã đưa các sản phẩm của mình lên thị trường NFT. Một số ngành khác cũng đã thí điểm phát hành NFT như du lịch, bất động sản, game, v.v.

Trò chơi điện tử NFT là một trong những câu chuyện thành công đáng nhớ và đã biến Việt Nam thành một trong những tâm điểm startup trong lĩnh vực mã hóa của thế giới. Trò chơi Axie Infinity của Việt Nam, ra mắt năm 2018, đã trở thành một hiện tượng và thống trị thị trường NFT trong năm 2022. Từ khi Axie Infinity trở thành một trong những dự án mã hóa giá trị nhất thế giới trong năm 2021, ít nhất 7 trò chơi điện tử blockchain khác đã được triển khai ở Việt Nam, thu hút hàng triệu đôla Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường tài sản mã hóa hứa hẹn nhiều cơ hội mới

Ông James Estaugh – Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Cần nền tảng pháp lý cho thị trường tài sản mã hóa

PWC dự đoán, đến năm 2030, khoảng 5% - 10% tài sản toàn cầu sẽ ở dạng số hóa. Do giá trị tài sản toàn cầu đang được kỳ vọng sẽ đạt mức 145,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025, đây sẽ là một con số khổng lồ, thậm chí còn tiếp tục tăng lên cùng các thay đổi chóng mặt do sự đổi mới, phát triển về công nghệ toàn cầu.

Đặc biệt, đối với thị trường chứng khoán, ứng dụng hứa hẹn nhất của TSMH sẽ là các tài sản kém thanh khoản có giá trị lớn và vòng đời kéo dài, với các giao dịch tiêu tốn nhiều nguồn lực cho quản lý như trái phiếu. Bằng cách mã hóa các tài sản này, chủ sở hữu sẽ có thể bán một phần quyền sở hữu tài sản theo cách dễ dàng và với chi phí hợp lý hơn. Cũng nhờ vậy, bên mua có thể tiếp cận và sở hữu một phần của loại tài sản này, thay vì phải chi trả một khoản tiền quá lớn và đối mặt với tình trạng kém thanh khoản nếu mua toàn bộ tài sản đó.

Theo hai chuyên gia của HSBC, đây có thể là một giải pháp để Việt Nam cân nhắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, dù cuộc cách mạng kỹ thuật số đang mang tới những cơ hội lớn về lợi nhuận vượt trội, những thành viên tham gia thị trường không hề miễn nhiễm với các rủi ro. Do đó, cần có một nền tảng pháp lý vững chắc để hỗ trợ sự phát triển dài hạn, bền vững của thị trường các TSMH.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang có những bước tiến trên con đường hiện thực hóa tầm nhìn của mình về một nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia, nhưng cách tiếp cận tương đối thận trọng nhằm bảo vệ thành viên thị trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Trên khắp thế giới, các cơ quan quản lý đang tham gia tích cực vào các dự án thí điểm, cho thấy các chính phủ đều đánh giá cao vai trò của TSMH trong lĩnh vực đầu tư, nhưng cũng đã nhận thấy những khoảng cách giữa thị trường tài chính truyền thống và thị trường tài chính mã hóa.