Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp báo cáo việc giảm thuế giá trị gia tăng Người bán hàng đa cấp sẽ phải kiểm tra kiến thức pháp luật Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch qua mạng

Chiều 25/10, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Hoàn thiện quy định về giao dịch trên không gian mạng

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại dự thảo (sửa đổi) được sổ sung nhóm chủ thể là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan vào đối tượng áp dụng; bổ sung thêm chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp.

Để làm rõ nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng bổ sung khái niệm về người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo hướng bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người bị bệnh hiểm nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, phụ nữ đang mang thai; phụ nữ sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Về các giao dịch đặc thù, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về giao dịch trên không gian mạng theo hướng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Trong đó, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng trung gian số cho người tiêu dùng có trách nhiệm thực hiện bổ sung một số nội dung, như: chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;… Quy định trách nhiệm bên thứ ba đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh nền tảng trung gian số.

Đối với bán hàng đa cấp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bổ sung một số quy định về trách nhiệm của tổ chức bán hàng đa cấp, trong đó, có trách nhiệm mua lại sản phẩm theo yêu cầu của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng; chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp, quy định việc lập hợp đồng bằng văn bản giữa tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp, về nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

Bán hàng đa cấp tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKH,CN&MT) cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật. Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, hiện nay nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Việc sửa đổi Luật lần này vừa khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay.

Ủy ban Khoa học
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, UB KH, CN&MT cho rằng việc bổ sung nội dung này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với một số loại hình giao dịch mới xuất hiện, vượt qua sự điều chỉnh của các quy định pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù như giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử vì các giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử có đặc thù riêng. Ý kiến khác cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, công nghệ mới hoặc trong điều kiện chuyển đổi số. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Điều 37, có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp. Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố tiềm ẩn vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh và nghiêm trọng hơn

Theo UB KH,CN&MT, sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng; chưa phát huy hết sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và đẩy mạnh xã hội hóa. Số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh về số lượng và mức độ ngày càng nghiêm trọng trong những năm qua. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nếu trong giai đoạn 2012 - 2015, trung bình hàng năm có trên dưới 300 khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng gửi tới Bộ Công Thương thì trong giai đoạn 2016 - 2020, số lượng khiếu nại phản ánh được gửi tới đều trên dưới 1.500 vụ việc, năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn là quá nhỏ so với thực tế. Trong giai đoạn 2017 - 2018, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước đã tư vấn giải quyết 13.294 vụ khiếu nại. Trong khi đó, công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.