Sẽ có đề xuất đột phá giải quyết khó khăn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia Cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia sang 2024 Sớm xây dựng cơ chế đặc thù gỡ vướng cho các chương trình mục tiêu quốc gia

Không bắt buộc giao danh mục dự án quy mô nhỏ trong kế hoạch trung hạn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, với 8 cơ chế đặc thù được quy định tại Điều 4. Các cơ chế, chính sách này khác với các luật hiện hành như Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công…

Trong đó, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương (NSTW) hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật NSNN để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của NSTW thực hiện CTMTQG.

Theo đó, HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên NSTW hằng năm của từng CTMTQG chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định.

Trình Quốc hội 8 cơ chế đặc thù gỡ khó cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại Quốc hội

Về cơ chế điều chỉnh dự toán NSNN, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công. Cụ thể, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán NSNN 2024 (chi thường xuyên) và dự toán NSNN chưa giải ngân hết trong năm 2023 của các CTMTQG đã được chuyển sang năm 2024. UBND cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN của các CTMTQG các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Quy định này khác với quy định tại Luật Đầu tư công hiện nay.

Theo đó, các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.

Bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm từ nguồn hỗ trợ của ngân sách

Theo tờ trình, trước đây việc áp dụng quy định Luật Đấu thầu năm 2013 trong trường hợp giao cho chủ dự án tự thực hiện mua sắm hàng hóa không gặp vướng mắc, khó khăn.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, chưa đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục áp dụng cơ chế giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ vốn NSNN.

Chính sách tiếp theo Chính phủ đề xuất là quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN). Đây là cơ chế khác quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Chính phủ đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024- 2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2026-2030.

Phương án 2, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện làm thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025. Việc điều chỉnh đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho người dân. Việc sử dụng từng loại nguồn vốn (chi đầu tư, chi thường xuyên) sau khi được điều chỉnh phải tuân thủ đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan.

Trình Quốc hội 8 cơ chế đặc thù gỡ khó cho các chương trình mục tiêu quốc gia
Các đại biểu tham dự phiên họp Quốc hội sáng 16/1.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các CTMTQG vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ cũng đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo 2 phương án.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc thống nhất với sự cần thiết về ban hành Nghị quyết như trong tờ trình của Chính phủ và thấy rằng, việc ban hành chính sách đặc thù là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các CTMTQG.