Chiều 30/10, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về Báo cáo giám sát thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và 5 bộ trưởng, trưởng ngành đã phát biểu trước Quốc hội về giải quyết các vấn đề có liên quan đến thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình.

Các chương trình sẽ “về đích” đúng hạn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc nỗ lực, trách nhiệm, thực chất, chỉ ra nhiều vấn đề quan trọng, cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Sẽ có đề xuất đột phá giải quyết khó khăn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: "Quốc hội cho phép chuyển nguồn vì nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao"

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, về tình hình chung, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các CTMTQG đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.

Về phân cấp cho địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực.

“Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình (đề xuất) thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 CTMTQG về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này” - Phó Thủ tướng cho hay.

Về tỷ lệ vốn trung ương - địa phương, Phó Thủ tướng cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Chia sẻ với những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.

“Về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay. Tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12 và tháng Giêng năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Tôi mong muốn, Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn đến 31/12/2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị trước Quốc hội.

Thí điểm trao quyền cấp huyện chủ động với nguồn vốn được giao

Trước đó, các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát biểu ý kiến, giải đáp về những ý kiến đại biểu Quốc hội nêu thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, ngành mình.

Các bộ trưởng bày tỏ thống nhất và đánh giá cao kết quả làm việc của đoàn giám sát, báo cáo của đoàn giám sát, cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, qua giám sát, các bộ, các ngành nhận thấy rất nhiều kinh nghiệm bổ ích từ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Sẽ có đề xuất đột phá giải quyết khó khăn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Các đại biểu Quốc hội đã có ngày làm việc hiệu quả, trách nhiệm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tích cực với các bộ, các ngành trong quá trình xây dựng, thiết kế chương trình, thẩm định chương trình và giúp ban chỉ đạo điều hành chương trình này. Đặc biệt, bộ đã tổng hợp và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tờ trình về một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong triển khai thực hiện....

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Ban Chỉ đạo cấp trung ương và cấp tỉnh đến nay đã được kiện toàn. Qua cách vận hành của ban chỉ đạo, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn lại các ban chỉ đạo các cấp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phối hợp chặt chẽ, qua đó hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ, hiện nay cơ bản đã hoàn thành tất cả các văn bản hướng dẫn của trung ương gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng rút kinh nghiệm về việc ban hành các văn bản còn chậm, trong đó có văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp. Về mô hình chỉ đạo của ban chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương.

Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn.

Về tốc độ giải ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Do đó, ủy ban đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã đánh giá khách quan, toàn diện quá trình triển khai 3 CTMTQG.

Về CTMTQG giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn.

“Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo. Hiện nay, không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua, có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác và mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo. Đây là điều cần được biểu dương” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo. Về hỗ trợ nhà ở, phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát khó khăn của hộ nghèo ở 74 huyện nghèo.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn 1 - 2 huyện làm thí điểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, 5 năm triển khai CTMTQG xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ta được bạn bè quốc tế công nhận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời, ông nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.

Người dân đã chủ động thoát nghèo

“Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo. Hiện nay, không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác và mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo, đây là điều cần được biểu dương” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.