Các yếu tố khiến giá vàng “nhảy múa” bất thường
Giá vàng thời gian qua thoắt lên, thoắt xuống. Ảnh: TL

Biến động khó lường

Giá vàng thế giới thời gian qua đã có những biến động khá bất thường và thậm chí có những lúc diễn ra không theo đúng các quy luật thông thường.

Chẳng hạn như sau đợt tăng lãi suất gần đây nhất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) vào cuối tháng 7/2023, giá vàng vẫn diễn biến tăng trong ngày sau đó. Cụ thể hôm 26/7, FED đã tiến hành tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất đạt mức cao nhất trong hơn 22 năm, đạt phạm vi mục tiêu là 5,25% - 5,5%. Tuy nhiên, ngay sau thời điểm FED tăng lãi suất, giá vàng vẫn tăng, giá vàng thế giới sáng ngày 27/7 theo giờ Việt Nam (chiều tối ngày 26/7 theo giờ Mỹ) giao dịch tại mức 1.974 USD/ounce, tăng 11 USD so với phiên trước.

Việc giá vàng vẫn tăng ngay sau khi FED tăng lãi suất được cho là một diễn biến khá “lệch pha” với quy luật thông thường, bởi lãi suất tăng đồng nghĩa với việc nắm giữ các tài sản không sinh lãi (trong đó có vàng) trở nên kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, diễn biến “lệch pha” này cũng không kéo dài lâu và chỉ sau đó một ngày, vàng bị xả hàng mạnh trên các sàn giao dịch vàng quốc tế, với mức giảm lên tới 26 USD chỉ trong vòng một ngày.

Trước những diễn biến trồi sụt bất thường của thị trường thế giới, giá vàng trong nước cũng chịu biến động theo và thường cũng theo xu hướng của giá thế giới, nhưng diễn biến của vàng miếng và vàng nhẫn có nhiều thời điểm không giống nhau. Xu hướng chung hiện nay cho thấy, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng và vàng nhẫn cũng đã ít hơn so với trước.

Làn sóng thắt chặt tiền tệ trên thế giới vẫn chưa dừng lại

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%, đánh dấu đợt tăng lãi suất thứ 14 liên tiếp mà ngân hàng này thực hiện.

Trước quyết định tăng lãi suất mới nhất, thị trường tài chính đã dự đoán lãi suất của BoE sẽ đạt đỉnh 5,75% vào cuối năm khi ngân hàng trung ương cố gắng kiềm chế giá cả tăng cao.

Ngân hàng trung ương cũng cập nhật dự báo lạm phát và hiện kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống 4,9% vào cuối năm nay, với tốc độ giảm nhanh hơn so với dự đoán vào tháng 5. Lạm phát dự kiến sẽ đạt 2% vào đầu năm 2025.

Tại thời điểm đầu năm 2023, giá vàng miếng cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 13 triệu đồng/lượng, nhưng hiện chênh lệch giá giữa 2 loại vàng này chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng. Cập nhật ngày 4/8, giá vàng miếng SJC 9999 bán ra 67,2 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn SJC 9999 bán ra 56,9 triệu đồng/lượng, tương ứng chênh lệch 10,3 triệu đồng/lượng.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng giá vàng

Hiện nay, khá nhiều yếu tố khác nhau đan xen có thể ảnh hưởng giá vàng. Đây cũng là lý do khiến cho giá vàng có những biến động khó lường, bởi các yếu tố cùng chi phối vào giá vàng và sự nhận diện các yếu tố này cũng không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Một trong những yếu tố thường được quan tâm nhất là chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là động thái của FED. Mặc dù về thông lệ, FED thắt chặt tiền tệ thường dẫn đến việc nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các công cụ có lãi suất cố định để có thể được hưởng lãi suất cao hơn, nhưng có nhiều trường hợp, diễn biến thị trường tài chính thường còn đi kèm các yếu tố có tính chất dự đoán. Cụ thể với động thái của FED, một số nhà đầu tư đã có các dự đoán và kỳ vọng về việc tăng lãi suất của FED sẽ sớm dừng lại sau lần tăng lãi suất thứ 11 vừa được thực hiện cuối tháng 7. Chuyên gia Juan Carlos Artigas - người đứng đầu Nhóm nghiên cứu tại Hội đồng Vàng Thế giới WGC cho biết, thị trường vàng vẫn ở chế độ chờ đợi và theo dõi vì FED đang để ngỏ các lựa chọn liên quan đến chính sách tiền tệ của mình.

Ở góc độ liên quan đến tác động thị trường trong nước, các chuyên gia trong nước cũng đặt lòng tin và sự độc lập của chính sách tiền tệ Việt Nam nên sự ảnh hưởng lãi suất của FED cũng ít ảnh hưởng đến lãi suất trong nước, qua đó sự ảnh hưởng dây chuyền đến thị trường vàng trong nước cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, tác động qua tỷ giá cũng có thể diễn ra vì theo

TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nếu lãi suất thế giới vẫn tăng thì mặt bằng lãi suất đồng USD sẽ tiếp cận gần hơn với lãi suất của đồng tiền Việt Nam (hiện lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ đã là 5,25 - 5,5%). Động thái này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng USD so với đồng Việt Nam. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, giá vàng thế giới niêm yết theo đồng USD. còn giá vàng trong nước niêm yết theo đồng Việt Nam và tỷ giá tăng sẽ dẫn đến giá vàng thế giới trở nên “đắt” hơn nếu quy đổi ra đồng Việt Nam.

Ngoài ra, các yếu tố khác đan xen còn liên quan đến diễn biến của đồng USD so với các đồng tiền khác trên thế giới, thể hiện của chỉ số US Dollar Index vẫn luôn biến động hàng ngày và vàng thường bị biến thiên theo giá của đồng USD, do được niêm yết theo đồng tiền này. Các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng và chờ đợi thêm thông tin về dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp, chỉ số về thị trường lao động của Mỹ…