TT

Hội thảo tại Viện Kinh tế Việt Nam sáng 24/6. Ảnh: H.Y

Để phục vụ việc xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030, sáng 24/6, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Các giải pháp đột phá về thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới”.

Chủ nghĩa thành tích là một động lực tăng trưởng

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nhìn tổng thể 30 năm đổi mới vừa qua, thành tích tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tích cực. Tuy nhiên, song song với đó, nền kinh tế cũng xuất hiện những trở lực phát triển, làm triệt tiêu hoặc “chệch hướng” các động lực phát triển mới và ngày càng trở nên khó khắc phục.

Phân tích thực trạng các động lực tăng trưởng, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra rằng động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suy giảm liên tục kể từ sau giai đoạn đổi mới ngoạn mục. Điều này gợi lên nguyên nhân thuộc về cơ cấu nội tại của nền kinh tế chứ không phải là do sai sót chính sách nhất thời hay yếu kém riêng lẻ của bộ máy điều hành. Trong khi đó, một diễn biến nổi bật của tăng trưởng GDP là chúng ta luôn hoàn thành kế hoạch tăng trưởng hàng năm, luôn nỗ lực tối đa để đạt thành tích tăng trưởng ngắn hạn trong khi tăng trưởng dài hạn đang có vấn đề.

“Không nghi ngờ gì nữa, “chủ nghĩa thành tích” là một thứ động lực tăng trưởng rất mạnh của kinh tế Việt Nam, ít nhất cũng là trong thời gian kéo dài cho đến năm 2017” - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Tính ngắn hạn này của tăng trưởng đã gây những méo mó về cơ chế và kìm giữ mô hình tăng trưởng kinh tế không còn phù hợp.

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ những “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế chưa được xử lý thời gian qua. Theo TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có nhiều điểm nghẽn của nền kinh tế có thể kể đến như là: vấn đề bình đẳng giữa các thành phần kinh tế chậm được xử lý, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kém hiệu quả dù được ưu ái, trong khi DN tư nhân chậm phát triển và DN FDI ngày càng lớn mạnh; công nghiệp hỗ trợ yếu kém; các thể chế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng bị lấn át bởi các hành vi trục lợi, móc ngoặc, thậm chí chiếm đoạt; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là công chức, viên chức chậm cải thiện; tình trạng lãng phí, tham nhũng, sai phạm trong quản lý nhà nước, mua sắm công, đầu tư công còn kéo dài, chậm được xử lý…

Chính phủ kiến tạo đứng trước nhiều thách thức

Để giải quyết những điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp về một chính phủ kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam, có rất nhiều chông gai, thách thức trong quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo.

Khó khăn đầu tiên là xuất phát điểm của nền kinh tế khi xây dựng chính phủ kiến tạo ở mức rất thấp, nguồn lực có hạn, bội chi ở mức cao. Trong khi đó, tham nhũng là vấn nạn của nền kinh tế, làm tăng chi phí đầu tư, sản xuất và làm giảm động lực đầu tư vào công nghệ mới, sản phẩm mới. Một số khó khăn đáng kể nữa là lợi ích nhóm cản trở DN, cản trở sự cạnh tranh và giảm sức ép đổi mới; việc bảo vệ quyền tài sản cả hữu hình và vô hình còn yếu…

Trong giai đoạn tới, để tháo gỡ các nút thắt nói trên, TS Phạm Sỹ An cho rằng Chính phủ cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng. Đó là thúc đẩy mở cửa thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do. Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại đòi hỏi phải thực hiện các cam kết mang tính thị trường nhiều hơn như giảm hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đấu thầu công khai minh bạch, thực hiện quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ… Các cam kết nếu được thực hiện nghiêm túc hoặc giám sát thực hiện nghiêm túc có thể tạo nên các ràng buộc “tự động” làm giảm các rào cản cản trở cạnh tranh và khuyến khích ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Đồng thời, để thúc đẩy cạnh tranh, cần xóa bỏ chính sách bảo hộ độc quyền, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN. Thực hiện phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để nền kinh tế vĩ mô vận hành ổn định. Cần có lộ trình tiến tới tự do hóa giá cả và đi cùng với đó là thiết lập thị trường cạnh tranh bình đẳng.

Nhấn mạnh giải pháp phát triển thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ các thị trường đầu vào, đặc biệt chú ý chiến lược phát triển thị trường đất đai theo tinh thần thừa nhận chế độ đa sở hữu, xây dựng hệ thống pháp luật thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền tài sản của các chủ thể kinh tế, coi việc phát triển các thị trường đầu vào là nền tảng để tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thành công.

Về phía bộ máy nhà nước, cần tích cực cải cách với hai nội dung lớn là xây dựng một nhà nước phục vụ phát triển và xây dựng một nhà nước thông minh, trong đó một nội hàm quan trọng là xây dựng “chính phủ số” và “đô thị thông minh”.

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa cao. Để “bước vào” mà không bị “kéo lê” theo thời đại, Việt Nam cần một hệ động lực phát triển mới chứ không chỉ là hệ động lực cũ được đổi mới. Chỉ đổi mới hệ động lực cũ là không đủ bởi như vậy sẽ đẩy nền kinh tế vào thế tụt hậu xa hơn” - ông Trần Đình Thiên kết luận./.

Hoàng Yến