Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

So với các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), thì BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn; tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng và do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện để phát huy hiệu quả thực sự, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

15 dự án, có tới 14 dự án chỉ định thầu

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 19/10, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, dự án BT cũng được sử dụng với tên gọi là dự án “đổi đất lấy hạ tầng”. Sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, đặc biệt là khi thị trường bất động sản hết cơn “sốt nóng”, hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư (NĐT) đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả.

Hình thức Hợp đồng BT đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng và là một công cụ hữu hiệu để huy động nguồn vốn; tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất “đắc địa”, hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.

Theo Tổng KTNN, khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án, hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn NĐT không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều NĐT tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. NĐT yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

“Thời gian qua, việc định giá đất trong hình thức BT sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, không thống nhất ở nhiều địa phương, nên thường định giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gây thất thoát lớn cho Nhà nước”, ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm.

TS. Phạm Quang Tú, Chuyên gia của Tổ chức Oxfam Việt Nam cũng cho rằng, nhìn chung BT và “đổi đất lấy hạ tầng” đã có thay đổi, nhưng vẫn “bình mới rượu cũ”. Qua 15 dự án BT mà Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra – kiểm tra, thì có tới 14 dự án là chỉ định thầu. Các dự án thường được giao đất khi chưa có hạ tầng nên giá đất rất thấp, nhưng sau khi có hạ tầng, đất trở thành “đất vàng”, giá chênh lệch rất cao. Do đó, Nhà nước bán đất với giá trị địa tô rất thấp.

TS. Tú còn cho hay, tác dụng của dự án BT là có, giúp thay đổi bộ mặt hạ tầng nhiều địa phương, nhưng nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước là rất lớn bởi có thể tồn tại cơ chế “xin - cho”, thiếu minh bạch.

Cần thay đổi một cách toàn diện

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS. Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành V đặt câu hỏi: “Có thực sự cần thiết phải áp dụng hình thức hợp đồng BT hay không? Tại sao lựa chọn hợp đồng BT thay cho hình thức quản lý dự án như truyền thống? Tại sao khi các hình thức như PPP và BT được áp dụng đã làm thay đổi bộ mặt về cơ sở hạ tầng và kêu gọi được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển tại nhiều quốc gia, ngay cả tại các nước ASEAN như: Malaysia, Thái Lan…, nhưng khi được triển khai tại Việt Nam lại dễ phát sinh tiêu cực?”.

Qua thực tế kiểm toán tại các dự án BT, ông Lê Huy Trọng cũng đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, hạn chế khiến việc triển khai dự án BT tại Việt Nam chưa thành công. Cụ thể như: Hành lang pháp lý không đủ mạnh; thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm không rõ ràng, không thông qua đấu thầu công khai; quyền sử dụng đất không được xác định đúng giá trị...

Trước những bất cập trên thực tế, TS. Phạm Quang Tú đề xuất cần hoàn thiện chính sách pháp luật về hình thức BT, chẳng hạn như có thể xây dựng một nghị định riêng để hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về hình thức này. Bên cạnh việc cần tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát hơn nữa, ông Tú còn cho rằng, chỉ nên áp dụng hình thức hợp đồng BT tại các địa phương khó khăn, phải nhờ ngân sách hỗ trợ, còn các địa phương phát triển thì cần nghiên cứu chọn phương án khác.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN, Trương Hải Yến cũng đề nghị, các dự án theo hình thức BT ngoài đảm bảo các điều kiện khác theo quy định hiện hành, thì phải nằm trong kế hoạch đầu tư công và được HĐND thông qua.

Theo bà Yến, Nhà nước cần quy định chặt chẽ một số yếu tố trong phương án tài chính, trong đó, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của NĐT, chi phí lãi vay nhằm đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước cũng như NĐT; ban hành hướng dẫn cụ thể về thời điểm NĐT phải góp đủ số vốn tối thiểu theo cam kết của hợp đồng. Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về xác định tỷ suất lợi nhuận của NĐT, phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án; đồng thời, quy định cụ thể về chi phí biến động tỷ giá trong thời gian xây dựng trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, NĐT liên quan đến tiến độ thực hiện dự án.

Bài và ảnh: Duy Thái