Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ảnh tư liệu |
Tạo điều kiện cho dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung một số điểm, khoản của Điều 11. Trong đó, bổ sung điểm e, Khoản 1, Điều 11 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời, tại dự thảo mới, Chính phủ đã bỏ đề xuất nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ.
Thị trường trái phiếu bùng nổ giai đoạn 2017 đến 2021 với mức tăng bình quân khoảng 45%/năm, nhưng thu hẹp từ cuối 2022 khi khung khổ pháp lý siết chặt, niềm tin nhà đầu tư suy giảm do một số vấn đề về doanh nghiệp phát hành. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới do sức hấp thụ yếu từ thị trường, tình trạng chậm trả nợ, phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho trái chủ.
Từ cuối năm 2023, thị trường có dấu hiệu trở lại, nhưng “cuộc chơi” chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhóm ngân hàng. Nhóm phi tài chính ghi nhận lượng phát hành mới giảm sâu, trong khi nhiều doanh nghiệp có trái phiếu đang lưu hành gặp khó khăn về thanh khoản.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, riêng quý III/2024, các nhà băng phát hành hơn 119.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 81% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành. Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ quý III giảm 14% so với quý II và hơn 44% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, triển vọng kênh huy động vốn này có thể tích cực hơn trước những thay đổi mới về khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sự mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường.
"Tiềm năng mở rộng quy mô thị trường từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, do họ có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao", nhóm phân tích từ FiinRatings bình luận về chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Tới cuối năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia ở quy mô khoảng 3% thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu là các quỹ đầu tư tham gia trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt đang có nhu cầu rất cao về nguồn vốn dài hạn, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng đến việc nâng hạng lên "thị trường mới nổi" để thu hút dòng vốn nước ngoài.
Minh bạch thị trường, tăng niềm tin nhà đầu tư
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cũng đồng tình với việc bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bởi, việc này nhằm tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta tin rằng, việc hút vốn ngoại vào thị trường trái phiếu có thể gỡ phần nào nút thắt về thanh khoản của thị trường. Hai năm gần đây, khi niềm tin thị trường suy giảm, dòng vốn vào kênh trái phiếu cũng thu hẹp. Điều này không chỉ giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, do sức hấp thụ yếu từ thị trường.
Tới cuối năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 20% quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo FiinRatings. Con số này cao hơn đáng kể các nước trong khu vực.
Tại Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân gần như không tham gia sở hữu trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp. Họ đầu tư qua ủy thác và mua chứng chỉ các quỹ đầu tư. "Cuộc chơi" trái phiếu doanh nghiệp ở một số quốc gia châu Á khác cũng chủ yếu do các ngân hàng, quỹ đầu tư. Tại Indonesia, ngân hàng và các quỹ đầu tư chiếm hơn 80% thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở Hàn Quốc khoảng 40%.
Ở Thái Lan, tỷ lệ tham gia của cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa nhà đầu tư giàu có (high-net-worth investors). Nhóm này tại Thái Lan được định nghĩa là có tài sản ròng 30 triệu bath (khoảng 22 tỷ đồng), thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath (khoảng 6 tỷ đồng).
Theo ông Thế Minh, trong trường hợp nhà đầu tư cá nhân lo ngại về mức độ rủi ro khi tham gia trực tiếp, họ cũng có thể mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu. Cách thức này giảm bớt phần nào nguy cơ, dù không hoàn toàn. Do các quỹ có bộ phận đánh giá rủi ro, nên việc lựa chọn trái phiếu có tỷ lệ an toàn hơn.
Ngoài việc “đón” dòng vốn ngoại, FiinRatings cho rằng cũng cần tăng niềm tin của nhà đầu tư thông qua việc nâng cao tính minh bạch thị trường và chất lượng công bố thông tin, bao gồm đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm, phát triền cơ sở dữ liệu về đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả… Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin và định giá trái phiếu một cách thuận lợi, hiệu quả.
Thiếu sự tham gia của quỹ đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Theo FiinRatings, cuối năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng, quỹ đầu tư, chiếm khoảng 51%. Xét về quy mô, nhóm tổ chức, ngân hàng chiếm 4/5 quy mô thị trường. Tỷ trọng các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực. Tại Thái Lan, nhóm này chiếm khoảng 37% toàn thị trường, tại Trung Quốc là 54%, Indonesia là 63%, theo FiinRatings, nhưng tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9%. |