Hà Nội bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án trọng điểm
Nguồn: UBND TP. Hà Nội. Đồ họa: Văn Chung

Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

TP. Hà Nội vừa có báo cáo giải trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố. Báo cáo nêu rõ, việc tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 đã có những kết quả tích cực; tỷ lệ giải ngân hàng năm có chiều hướng tăng lên.

42 dự án công trình trọng điểm

Giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội có 42 dự án công trình trọng điểm, gồm: 35 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; 1 dự án sử dụng vốn PPP; 6 dự án sử dụng nguồn xã hội hóa. Đối với 35 dự án có 1 dự án đã hoàn thành; 7 dự án đang triển khai thực hiện; 8 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án; 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 8 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Đối với 1 dự án sử dụng vốn PPP đã hoàn thành cuối năm 2022. Đối với 06 dự án xã hội hóa: 1 dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; 3 dự án đã được UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư; 1 dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; 1 dự án chưa có hồ sơ đề xuất.

Cụ thể, năm 2021 đạt 79,2% kế hoạch; năm 2022 đạt 87,8% kế hoạch; năm 2023 đạt 94,4% kế hoạch; năm 2024, tính đến ngày 20/3/2024 đạt 8,7% kế hoạch. Đến nay, TP. Hà Nội đã hoàn thành 230 dự án giai đoạn 2021 - 2023 và dự kiến tiếp tục hoàn thành 115 dự án trong năm 2024.

Theo nhận định của TP. Hà Nội, khối lượng công việc phải thực hiện của kế hoạch trung hạn và năm 2024, 2025 rất lớn. Đơn cử, kế hoạch vốn trung hạn cấp thành phố còn phải bố trí từ nay đến hết năm 2025 chiếm 43% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2024 toàn thành phố phải thực hiện trong 3 quý tới gấp 1,3 lần so với kế hoạch năm 2023, trong khi thời gian thực hiện không nhiều. Tuy nhiên, thành phố cũng xác định thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Trước tiên, thành phố tập trung rà soát, đánh giá tình hình, khả năng triển khai, hấp thụ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, 2025 của từng nhiệm vụ, dự án từ chuyển tiếp, đến khởi công mới gắn với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra; trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch cụ thể để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai theo từng lĩnh vực.

Về nguồn lực đầu tư, đối với cấp thành phố, đánh giá tính khả thi, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và các năm 2024, năm 2025; bảo đảm cân đối đủ kế hoạch vốn theo tiến độ triển khai cho các dự án trọng điểm, dự án đường Vành đai 4, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích; dự án quan trọng, dự án giải quyết vấn đề bức xúc dân sinh của thành phố.

Đối với cấp huyện, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá tính khả thi nguồn lực đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của cấp huyện, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, có giải pháp khai thác nguồn lực để tăng tính chủ động của ngân sách cấp huyện; cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án ngân sách thành phố hỗ trợ để hoàn thành dự án. Trường hợp nguồn thu ngân sách không đảm bảo, báo cáo HĐND cùng cấp điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021 - 2025 và hàng năm để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của huyện, không để nợ xây dựng cơ bản, công trình dở dang vì thiếu vốn.

Cắt giảm các dự án kém khả thi

Hà Nội bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án trọng điểm
Đến nay, TP. Hà Nội đã hoàn thành 230 dự án giai đoạn 2021 - 2023 và dự kiến tiếp tục hoàn thành 115 dự án trong năm 2024. Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, hiện nay, nhiều huyện, thị xã có nhu cầu bổ sung danh mục, kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ngân sách thành phố hỗ trợ để thực hiện các dự án trường học, y tế, di tích, hạ tầng kỹ thuật. Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội đề xuất chấp nhận chủ trương cho phép tiếp tục nghiên cứu, rà soát báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố xem xét bổ sung ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư cho một số dự án tại địa bàn còn khó khăn trong cân đối ngân sách.

Việc hỗ trợ các dự án phải đảm bảo phù hợp với tình hình hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án, khả năng cân đối của ngân sách thành phố hỗ trợ và đối ứng chắc chắn của ngân sách từng huyện, thị xã; đảm bảo công bằng, minh bạch; các dự án được hỗ trợ phải đảm bảo hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2025.

Tại Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo, trên cơ sở danh mục trong giai đoạn 2024 - 2025, các cấp ngành cần rà soát các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao; dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc như: Ùn tắc giao thông; xây dựng nông thôn mới; đường sắt đô thị; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải…

Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã được phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất giải pháp cụ thể. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo các dự án được bố trí vốn đủ thủ tục, quy định; tránh trùng lặp, lãng phí, nhất là các dự án, nhiệm vụ liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) có cùng địa bàn triển khai… Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, dự án phải có nguồn lực đảm bảo, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát bội chi./.