Hà Nội triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Cục Thống kê TP. Hà Nội. Đồ họa: Văn Chung

Tiết kiệm hơn 3.300 tỷ đồng chi thường xuyên

TP. Hà Nội vừa có báo cáo Bộ Tài chính về kết quả đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK CLP) trong chi thường xuyên năm 2023. Báo cáo nêu rõ, trong năm 2023, thành phố đã tập trung chỉ đạo đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025.

Ban hành 10 văn bản mới về định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Năm 2023, thành phố đã ban hành mới 10 văn bản và 7 văn bản thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ thuộc thẩm quyền của thành phố làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ theo quy định.

Riêng chi ngân sách đã đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành phố đã từng bước thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, với các giải pháp sử dụng có hiệu quả ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách; thường xuyên rà soát sửa đổi bổ sung các quy trình, định mức, đơn giá đặt hàng dịch vụ công ích, thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành…

Thành phố đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên so với dự toán trung ương giao và trong điều hành ngân sách để có nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển và thực hiện dự toán chi trả nợ các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển đến kỳ hạn trả nợ của ngân sách thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại các khoản chi ngân sách.

Theo đó, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Hà Nội đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương, số tiền hơn 3.331,5 tỷ đồng. Đồng thời, tiết kiệm hơn 5.643,4 tỷ đồng trong công tác sử dụng và thanh quyết toán NSNN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đáng chú ý, thành phố đã cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị…

Điển hình, năm 2023, Hà Nội đã triệt để tiết kiệm trong việc giao dự toán cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đoàn ra, đoàn vào; quán triệt tinh thần tiết kiệm khi triển khai thực hiện tại quyết định giao dự toán đầu năm và bổ sung, điều chỉnh trong năm cho các cơ quan, đơn vị. Dự toán chi đoàn ra, đoàn vào hơn 36,2 tỷ đồng, đã thực hiện chi đoàn ra, đoàn vào hơn 31,6 tỷ đồng, tiết kiệm so với dự toán giao hơn 4,5 tỷ đồng.

Thành phố đã bố trí định mức phân bổ kinh phí sử dụng xe ô tô trên 112 triệu đồng/năm/người có tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác của các cơ quan theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ vào dự toán chi ngân sách hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Kiểm soát chặt khoản chi ngân sách

Hà Nội triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Công chức KBNN đang thực hiện nhập số liệu thanh toán vốn ngân sách. Ảnh minh họa

Để thực hiện Chương trình thực hành TK, CLP đạt hiệu quả hơn thời gian tới, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách. Ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài chính, tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng ngân sách, xử lý tài sản công theo đúng quy định.

Hà Nội triển khai phân bổ, điều hành, quản lý dự toán chi ngân sách ngay từ đầu năm trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan (cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước, đơn vị sử dụng NSNN); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN.

Đặc biệt, thành phố đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoản kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, gắn với tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sử dụng NSNN, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công. Song song đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về NSNN.

Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngay đầu tháng 2/2024 TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND, về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2024 của TP. Hà Nội. Mục tiêu của chương trình là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về THTK, CLP.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, TK,CLP năm 2024, TP. Hà Nội đề ra một số nhóm giải pháp trọng tâm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về THTK, CLP; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về THTK, CLP; tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp,…

Thành phố yêu cầu, căn cứ chương trình này, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Chương trình THTK, CLP năm 2024 của sở, ngành, địa phương mình; chỉ đạo việc xây dựng Chương trình THTK, CLP năm 2024 của các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình; trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.