nh

Khách hàng tìm hiểu giải pháp Định danh Công dân Điện tử - Smart Citizen của Hyperlogy.

Thực tế này đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư mạnh cho việc số hóa nhằm thu hút và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019 vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, ông Chu Xuân Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ ứng dụng Toàn Cầu (Hyperlogy), đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên TBTCVN xoay quanh những vấn đề trên.

* PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay? Theo ông thì những vấn đề nào cần ưu tiên cải thiện?

- Ông Chu Xuân Vinh: So với tiềm năng, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay còn thấp. Tôi được biết, phần lớn các giao dịch chuyển tiền trong thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn dựa trên phương thức tiền mặt trao tay (COD – Cash On Delivery).

Theo tôi, các vấn đề chính gây cản trở gồm: Thiếu phương tiện cũng như hành lang pháp lý cho định danh điện tử (KYC – Know Your Customer) được thực hiện một cách đơn giản, thuận tiện; người dùng còn chưa tin tưởng vào mức độ an toàn của thanh toán điện tử; trong nhiều trường hợp, sử dụng tiền mặt vẫn là phương án mua hàng rẻ nhất cho người dùng. Đây là 3 điểm chính cần ưu tiên cải thiện trong thời gian tới.

vinh
Ông Chu Xuân Vinh

* PV: Đến với Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2019, ông giới thiệu giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) mới nào và giải pháp đó có thể giúp giải quyết vấn đề gì mà các ngân hàng hoặc các công ty fintech (dịch vụ tài chính công nghệ) Việt Nam đang phải đối mặt?

- Ông Chu Xuân Vinh: Đến với diễn đàn lần này, chúng tôi mang đến giải pháp Smart eKYC Platform. Đây là một nền tảng định danh điện tử, giúp các ngân hàng thuận tiện trong mở rộng số lượng khách hàng cũng như giúp định danh khách hàng hiện hữu một cách nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí.

Các điểm chính của giải pháp bao gồm: định danh và xác thực đa kênh, đa thiết bị, mà cụ thể là có thể dùng Mobile App, Web Browser, IoT (chẳng hạn như định danh bằng các thiết bị Kiosk, STM, VTM), Desktop App... Kế đến là ứng dụng công nghệ sinh trắc học (Biometric) như nhận diện khuôn mặt (FaceID), vân tay (Fingerprint), tách chữ bằng AI/Deep Learning, giúp việc định danh và xác thực được thực hiện nhanh, thuận tiện, nâng cao trải nghiệm người dùng; sẵn sàng tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ định danh điện tử (IDP).

Chúng tôi cũng có sẵn hệ sinh thái ứng dụng ngân hàng số (Smart Digital Banking) ứng dụng nền tảng công nghệ này, bao gồm Smart Form, Smart Booking, Smart API, Smart Self Service, Smart Auto Bank, Smart RM... với hệ sinh thái thuận tiện trong sử dụng, giảm thời gian giao dịch 15 lần... Điều này làm tăng sự hài lòng của người dùng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, hệ sinh thái này đã được ứng dụng tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam như MB, An Bình, SHB... từ nhiều năm nay.

* PV: Nhằm góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, ông có khuyến nghị hay thông điệp nào muốn gửi tới các ngân hàng và các công ty fintech?

- Ông Chu Xuân Vinh: Trải nghiệm khách hàng đang ngày càng trở nên quan trọng. Ngày nay, giới trẻ cần sự thuận tiện, an toàn, chi phí thấp trong sử dụng dịch vụ ngân hàng. Họ không sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu như phải chờ điền tay vào nhiều biểu mẫu phức tạp, chờ giao dịch lâu... Chính vì vậy, việc gia tăng trải nghiệm, giảm chi phí, số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường khi số lượng người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn lớn để có thể được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Áp dụng công nghệ mới như Biometric, AI/Deep Learning, Machine Learning… trong các ứng dụng thực tiễn của ngân hàng là xu hướng tất yếu để đạt được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, nên phải đi cùng với nghiệp vụ để tạo ra các ứng dụng cụ thể phục vụ ngân hàng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

4 vấn đề công nghệ số tác động đến dịch vụ tài chính ngân hàng


Thứ nhất là trải nghiệm khách hàng. Có thể nói, ngành dịch vụ tài chính đang trải qua việc thiết lập hoàn toàn mới để tương tác với khách hàng khi chuyển đổi sang kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng và nắm bắt cơ hội thị trường; đồng thời xây dựng các hệ thống và quy trình để xử lý vòng đời giao dịch bằng kỹ thuật số.

Thứ hai là mô hình doanh thu và sản phẩm mới, với ngân hàng mở và API mở ứng dụng kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức. Hệ sinh thái ngân hàng và người tham gia sẽ mở rộng ra ngoài các kênh ngân hàng truyền thống và sẽ giúp các ngân hàng nghĩ ra các mô hình doanh thu và sản phẩm mới.

Thứ ba là tự động hóa và trí thông minh. Sự ra đời của AI, ML và RPA đang thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới tối ưu hóa chi phí và nhanh chóng. Các công ty công nghệ trong nước sẽ thúc đẩy việc xem xét về tự động hóa và sử dụng công nghệ để giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Thứ tư là sự hài lòng và bảo mật. Có thể khẳng định, bảo mật và sự hài lòng là rất quan trọng khi các sản phẩm công nghệ và mô hình mới ra đời. Thông tin khách hàng có giá trị rất lớn nhưng quan trọng hơn là xây dựng được các hệ thống và quy trình để có thể bảo vệ, quản lý và tận dụng dữ liệu sao cho hiệu quả nhất.

Ông Kaushik Bagchi - Phó Giám đốc Khối kinh doanh Công ty Công nghệ ASG

Đỗ Doãn (thực hiện)