Doanh nghiệp là trung tâm phục vụ trong chính sách ngoại giao kinh tế

Ngày 13/12, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Ngoại giao kinh tế: Vun đắp quan hệ tam giác chiến lược địa phương-doanh nghiệp- đối tác nước ngoài
Đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam và nước ngoài tại tọa đàm. Ảnh: Thế giới và Việt Nam

Kết nối vì sự phát triển

Trong phiên đối thoại “Kết nối vì phát triển” chiều ngày 13/12, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, trong những năm qua, hoạt động kết nối hai chiều giữa các địa phương của Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc của công tác ngoại giao kinh tế và đang ngày càng được đẩy mạnh, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác mới trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực từ đầu tư, thương mại, du lịch tới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Ông khẳng định: “Bộ Ngoại giao Việt Nam với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện tại nước ngoài luôn sẵn sàng làm nhịp cầu đưa các đối tác nước ngoài đến gần hơn với Việt Nam và đưa các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới”.

Chia sẻ tại sự kiện, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Đỗ Nam Trung cho biết, mặc dù dịch Covid-9 diễn biến phức tạp nhưng hợp tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các tỉnh biên giới Trung Quốc vẫn được duy trì thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến,…

Đến nay, các địa phương biên giới hai nước đã thành lập nhiều cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác quan trọng và được tổ chức định kỳ như: gặp gỡ đầu xuân giữa bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam với Bí thư Khu ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh này với Quảng Tây (12 lần); nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam và tỉnh Vân Nam…

Từ địa phương, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả hợp tác với Singapore. Bà Giang cho biết, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại tỉnh Bắc Ninh với 50 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,11 tỷ USD, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, nhà ở xã hội…

Theo bà Giang, những kết quả hợp tác mà tỉnh Bắc Ninh và Singapore đã đạt được trong thời gian qua là do tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực thúc đẩy các hoạt động đối ngoại giữa hai bên nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác Singapore trên các khía cạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế; khai thác tốt lợi thế so sánh về vị trí địa lý trong thu hút đầu tư; thực hiện các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI nói chung và Singapore nói riêng…

Còn nhiều dư địa hợp tác đầu tư và thương mại với các địa phương

Tại phiên đối thoại “Hợp tác đầu tư và thương mại” chiều cùng ngày, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề hợp tác đầu tư và thương mại.

Chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Torben Minko - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, EVFTA mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác thương mại Việt Nam-EU, thông qua việc loại bỏ dần thuế quan và mở cửa thị trường.

Một năm sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 39,75 tỷ USD (tính đến ngày 1/8/2021), tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Về phía EU, con số này là 16,51 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể tại thị trường EU.

Về đầu tư, Việt Nam đã từng bước nhận được các nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU, với các dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Theo vị Phó Chủ tịch EuroCham, sức hấp dẫn đầu tư này sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực. Với sự đồng hành của EVFTA và EVIPA, ông khá lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một địa điểm thịnh vượng, an toàn và cạnh tranh để đầu tư và kinh doanh.

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), ông Hong Sun - Phó Chủ tịch KORCHAM cho biết, kim ngạch thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ vượt qua mốc 70 tỷ USD trong năm nay. Trong tương lai, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, tính đa dạng của nguồn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam khá hạn chế và chỉ tập trung vào một số địa điểm nhất định. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang chủ động tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở các địa phương ở Việt Nam.

Cũng theo đại diện KORCHAM, mỗi một địa phương ở Việt Nam có một ưu điểm riêng. Vì vậy, ông kỳ vọng, Chính phủ trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy mạnh phát triển của từng địa phương theo đúng điểm mạnh của mình….