biểu quyết

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết với đa số phiếu tán thành. Ảnh: T.T

CPI năm 2021 tăng bình quân khoảng 4%

Như vậy, theo nghị quyết Quốc hội đã quyết định: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%.

Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Riêng về chỉ tiêu tăng trưởng, trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao. Do đó, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5 - 6%. Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Có ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức “đạt”, không ghi “khoảng”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021. Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19; đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.

Biểu quyết riêng về điều này, cơ bản các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua. Có 3 đại biểu không biểu quyết và có 7 đại biểu không tán thành.

Trước đó, qua thảo luận tại Quốc hội và trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng. Có đại biểu cho rằng còn "đồng tình trong băn khoăn", có đại biểu lo ngại những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới "sức khỏe" của kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nếu chưa có vắc xin chữa trị hiệu quả.

Tuy nhiên, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ và đề xuất mức tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6% là có cơ sở.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong khi đó, dự báo có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và nước ta.

Do đó, năm 2021, vẫn tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Chủ động bố trí nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Trong đó, sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; theo dõi sát, tập trung phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh.

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong năm 2021 đó là đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất; chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính – ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước; trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; tận dụng tốt hơn, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA…

Đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá kết hợp quản lý thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý; ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công.

Trong năm 2021, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành Công thương…

Minh Anh