Số hóa - cả hệ thống Kho bạc Nhà nước vào cuộc
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Phương Anh

Nhiều cải cách để thực hiện số hóa

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chủ động triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ngay từ năm 2018.

Dịch vụ công trực tuyến khởi đầu để số hóa kho bạc

Kho bạc Nhà nước là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành việc thực hiện DVCTT toàn trình đối với tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN. Hiện 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng qua DVCTT đạt trên 99%; trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150 nghìn chứng từ chi NSNN qua DVCTT. Những lúc cao điểm, lượng hồ sơ tăng lên 600 nghìn hồ sơ mỗi ngày. Theo đánh giá của KBNN, việc giao dịch trên DVCTT chính là bước đầu số hóa các hồ sơ kiểm soát chi. Từ đây, KBNN sẽ số hóa các hoạt động nghiệp vụ để tiến tới Kho bạc số.

Cùng với đó, KBNN đã thực hiện cung cấp 11/11 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán vốn. Đồng thời, KBNN đã phát triển nhiều tiện ích mới phục vụ người sử dụng như: cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, KBNN đã chuyển đổi từ hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại sang hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS), giúp cho việc liên thông các quy trình quản lý NSNN từ khâu lập ngân sách, phân bổ dự toán, thực hiện thu chi ngân sách, báo cáo và quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác của KBNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cả hệ thống hướng tới số hóa

Với mục tiêu đến năm 2025 đưa KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng kho bạc số, cả hệ thống KBNN đã tích cực vào cuộc.

Ông Nguyễn Tuấn Vinh - Giám đốc KBNN Thanh Hóa cho biết, hiện 100% các phòng, ban, đơn vị KBNN trực thuộc KBNN Thanh Hóa đã xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành; sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành. Đặc biệt, KBNN Thanh Hóa đã ứng dụng hiệu quả công nghệ hiện đại như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… để tối ưu hóa các quy trình quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ cho toàn bộ hệ thống kho bạc trong tỉnh.

Ngoài ra, trong thời gian qua, KBNN Thanh Hóa đã đẩy mạnh triển khai DVCTT và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ; đồng thời triển khai thực hiện chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống DVCTT của KBNN. “Đây là cơ sở để các cơ quan, ĐVSDNS có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống DVCTT, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần. Cho đến thời điểm này, tỷ lệ chứng từ chi NSNN qua DVCTT tại KBNN Thanh Hóa đạt 98% tổng số chứng từ chi (không bao gồm chứng từ chi an ninh, quốc phòng, các giao dịch chi không thuộc diện qua DVCTT)” - ông Vinh nhấn mạnh.

Số hóa - cả hệ thống Kho bạc Nhà nước vào cuộc
Ảnh minh họa.

Tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, số hóa các nghiệp vụ để tiến tới kho bạc số, đơn vị cũng đã nỗ lực đẩy mạnh các giao dịch trên DVCTT. Hiện số hồ sơ kiểm soát chi ngân sách qua DVCTT tại KBNN TP. Hồ Chí Minh chiếm 99,5% tổng số hồ sơ giao dịch tại đơn vị.

Chia sẻ về việc số hóa, Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho biết, KBNN TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện lộ trình số hóa các hoạt động thanh toán thu chi ngân sách. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định về cải cách, hiện đại hóa của KBNN, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã lồng ghép các hoạt động nghiệp vụ vào các phong trào thi đua.

“Để việc số hóa hồ sơ kiểm soát chi trở thành động lực cho phong trào thi đua, chúng tôi thực hiện chấm điểm công việc số hóa hồ sơ này từ hồ sơ giao dịch gửi bản giấy trước đây. Các tài liệu, hồ sơ được số hóa, scan, chụp ảnh để đưa vào thư mục quản lý trên hệ thống máy tính. Do đó, mỗi lần trình ký chứng từ, thay vì phải di chuyển cả một chồng hồ sơ giấy như trước đây thì hiện nay, công chức kho bạc chỉ cần trình 1 bản hồ sơ giấy để lãnh đạo xem xét phê duyệt song song với các hồ sơ đã lưu trên máy tính nên đã giảm được rất nhiều thời gian và công sức cho công chức KBNN” - ông Hải cho biết.

Với KBNN Hà Tĩnh, việc số hóa các hoạt động nghiệp vụ cũng là nhiệm vụ quan trọng được tập thể lãnh đạo hết sức quan tâm.

Do đó, khi tỉnh Hà Tĩnh triển khai chuyển đổi số toàn diện, KBNN Hà Tĩnh coi đây là cơ hội lớn để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong công tác thu, chi NSNN. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh các giao dịch trên DVCTT, KBNN Hà Tĩnh đã triển khai việc cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động cho các ĐVSDNS. Đến nay, gần 100% các ĐVSDNS đã sử dụng ứng dụng này để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản của đơn vị mình.

Ông Võ Văn Tỵ - Giám đốc KBNN Hà Tĩnh cho biết, hiện đơn vị đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong một số hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ và tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo đúng quy định của KBNN./.