Thông tin trên được đưa ra tại họp báo Tổng kết kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của Vinatex, tổ chức ngày 27/12.
Ông Cao Hữu Hiếu – Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, năm 2018, XK dệt may của Việt Nam ước đạt hơn 36,1 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2017. Cùng chung với thành tích của toàn ngành dệt may, kết quả sản xuất, kinh doanh của Vinatex cũng đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 46.100 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm 2018, tăng 9,7% so với năm 2017. Kim ngạch XK ước đạt 3,05 tỷ USD, bằng 102,3% kế hoạch năm 2018, tăng 10,9% so với năm 2017. Tổng doanh thu ước đạt trên 48.650 tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch năm 2018, tăng 6,6% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 1.530 tỷ đồng, bằng 116,4% kế hoạch năm 2018, tăng 6,2% so với năm 2017...
|
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Thiện Trần |
Theo ông Hiếu, kết quả của năm 2018 là một chuỗi nỗ lực, được khởi động từ năm 2015 cho đến nay. Theo đó, tập đoàn đã tập trung phát triển theo chiều sâu, nâng cấp, thay thế các máy móc thiết bị hiện đại đạt chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được độ chính xác cao hơn, năng suất lao động tăng lên, số lượng lao động ít đi... Đồng thời, tập đoàn đã lựa chọn các đơn hàng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao để giảm thiểu tối đa biến động có thể đến với doanh nghiệp (DN) khi thị trường chung gặp khó khăn…
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinatex năm 2019, ông Hiếu cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5%, kim ngạch XK tăng 6% - 8%, doanh thu tăng 5% - 7%, lợi nhuận phấn đấu tăng 12% so với năm 2018…
Mặc dù dự báo tăng trưởng của toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả khả quan trong năm 2019, tuy nhiên, theo lưu ý của ông Hiếu, có một số vấn đề mà các DN dệt may cần đặc biệt quan tâm trong năm 2019.
Cụ thể, năm 2019, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự báo tiếp tục có những diễn biến căng thẳng khó lường, cũng như sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU)… sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các thị trường xuất, nhập khẩu của dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019, cũng như triển vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ được ký kết, đi vào thực thi trong năm 2019, nếu như các DN dệt may Việt Nam không cẩn trọng và có bước đi thích hợp thì sẽ phải nhường thị phần cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn có lợi thế hơn về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ, con người…
Trước những yếu tố tác động như trên, ông Hiếu cho biết, Vinatex cũng như các DN dệt may khác cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường, mặt khác các DN may cần hợp tác, liên kết chặt chẽ với DN sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra…./.
Diệu Thiện