Bài 1: Tài chính tiêu dùng, kênh tiếp cận vốn thuận lợi cho người dân Bài 2: Mặt trái của tài chính tiêu dùng “vàng thau lẫn lộn”

Những yêu cầu về quản lý

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện nay, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, các tổ chức nào không được NHNN cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” (hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình) có thể gây nhầm lẫn đó là một “tổ chức tín dụng” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng.

Lý thuyết là vậy, nhưng như những nội dung đã được đề cập ở bài 2 trong loạt bài này, tình trạng “trắng đen lẫn lộn” diễn ra khá phổ biến và người tiêu dùng thường không dễ để nhận biết được đâu là công ty tài chính chính thống, còn đâu là công ty tài chính “ma”.

Các công ty tài chính cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, minh bạch thông tin.
Các công ty tài chính cần chú trọng quản trị rủi ro tín dụng, minh bạch thông tin.

Trong khi đó, cái khó hiện nay về mặt quản lý còn nằm ở chỗ, việc đưa hoạt động tài chính tiêu dùng vào một bộ khung bó chặt thì lại gây gò bó cho hoạt động của chính bản thân cả các công ty tài chính tiêu dùng chính thống. Ông Kim Jong Geuk - Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam cho biết, so với ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế rất nhiều nghiệp vụ (nhận tiền gửi cá nhân, làm dịch vụ thanh toán…). Chẳng hạn, công ty tài chính tiêu dùng chưa có hành lang pháp lý phù hợp để yên tâm hoạt động chính trong lĩnh vực chuyên ngành cho vay tiêu dùng. Công ty vẫn phải đáp ứng gần như đầy đủ các ràng buộc pháp lý, tiêu chuẩn hệ thống tương tự như các ngân hàng.

Ngoài ra, theo quyết định phê duyệt đề án “cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, công ty tài chính cũng có chung mục tiêu với các tổ chức tín dụng khác nói chung và ngân hàng nói riêng là giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3%. Theo ông Kim Jong Geuk, đây là một yêu cầu khó khả thi vì khách hàng mục tiêu của công ty tài chính là khách hàng dưới chuẩn so với khách hàng của ngân hàng. “Việc không phân rõ hành lang pháp lý dành cho công ty tài chính dẫn đến các công ty tài chính gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định của NHNN do các tổ chức này có phạm vi hoạt động, khách hàng mục tiêu, khẩu vị rủi ro khác biệt so với ngân hàng”- ông Kim Jong Geuk nói thêm.

Và những giải pháp gợi mở

Bối cảnh trên theo đó đang đặt ra những yêu cầu khó trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tài chính tiêu dùng. Đứng trước vấn đề này, một số chuyên gia cũng đưa ra một vài quan điểm có tính chất gợi mở, tháo gỡ phần nào thế khó. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, NHNN nên sớm sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng nâng hạn mức tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng, cũng như xem xét cho phép các công ty tài chính sớm tiếp cận với dữ liệu dân cư quốc gia để thuận tiện trong việc định danh khách hàng.

Đồng thời, ông Lực cũng đặt mối quan tâm đến việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (dự kiến năm 2023), với hướng nên làm rõ một số nội dung quan trọng như: Tài chính tiêu dùng số, phê duyệt tín dụng online, chia sẻ thông tin – dữ liệu khách hàng, an ninh mạng và an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng… để phù hợp với hoạt động của tài chính tiêu dùng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, các công ty nên quan tâm rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường. Trong đó, đặc biệt lưu tâm đến những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị hiếu mới của khách hàng để phát triển các chính sách, sản phẩm phù hợp. Cần xây dựng và thường xuyên đánh giá các kịch bản thị trường để có thể lường đón và kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng nên chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng; chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và hoạt động (nhất là rủi ro đạo đức); tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay để thu hút khách hàng và tăng tính bền vững; đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng…

Cũng với góc nhìn của một chuyên gia chuyên ngành, TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là yếu tố quan trong thời gian tới nhằm cải tiến quy trình cho vay, đồng thời nghiên cứu phát triển các sản phẩm tín dụng trên môi trường số, rút ngắn thời gian, chi phí và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. “Cùng với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số hoạt động ngân hàng là tất yếu và thực tế đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong đó, các hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng cũng đang và sẽ tiếp tục triển khai các bước số hóa”- bà Hòa bày tỏ quan điểm.

Cùng với những giải pháp trên, một số chuyên gia cũng đề xuất Bộ Công an cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, các cơ quan thẩm quyền thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính để phát hiện xử lý sai phạm, không để các hoạt động lợi dụng loại hình này để thực hiện các hành vi “tín dụng đen”.

Tổ chức của Đức chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài chính cá nhân

Tổ chức hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) vừa cùng với Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Kinh tế thuộc Đại hội Quốc gia Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm về “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và giao lưu “Tiết kiệm thông minh, tương lai bền vững”.

Chuyên gia đến từ DSIK đã đề cập đến vấn đề tiết kiệm, bởi nếu như người dân muốn có thu nhập lớn hơn chi tiêu thì cần có khoản tiết kiệm hàng tháng. Vấn đề quan trọng là phải biết được những khoản chi tiêu nào là cần thiết và không cần thiết, cần phân biệt được giữa mong muốn và nhu cầu.

Các chuyên gia cũng cho biết, khi bàn đến tài chính cá nhân thì chúng ta thường hay chỉ nghĩ đến vấn đề đầu tư tài chính hay đầu tư chứng khoán, tuy nhiên vấn đề tài chính cá nhân chi phối một phạm trù rộng hơn rất nhiều. Tài chính cá nhân liên quan đến việc tối ưu hóa ba yếu tố, gồm: Tối ưu hóa nguồn thu nhập, kiểm soát chi tiêu hiệu quả và việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Việc quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất cần thiết, giống như những kỹ năng khác cần được hình thành thông qua quá trình rèn luyện.

Thế hệ trẻ là đối tượng được đặc biệt quan tâm nhằm tạo thói quen tiết kiệm từ sớm, tạo phong trào tiết kiệm trong xã hội, hướng tới đối tượng của tài chính toàn diện, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững. Theo đó, giới trẻ không hẳn phải chờ đến khi học đại học hoặc khi đi làm có tiền thì mới bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân.

Mỗi gia đình và từng cá nhân khi có năng lực quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, tài chính cá nhân sẽ luôn duy trì an toàn và chi tiêu hiệu quả hơn, giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân, qua đó nâng cao tổng tiết kiệm xã hội, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.