Hoạt động tài chính tiêu dùng trong những năm gần đây tăng cao đã đáp ứng nhu cầu vay vốn thuận lợi và dễ dàng cho người dân. Mặt tích cực của tài chính tiêu dùng nằm ở chỗ người dân có thể vay vốn khá thuận lợi với những yêu cầu đơn giản. Tài chính tiêu dùng cũng có tác động kích thích tăng trưởng thông qua làm tăng sức cầu mua hàng từ bán hàng trả góp.

Tốc độ tăng nhanh

Theo đánh giá của Viện Chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), sự phát triển của dịch vụ tài chính tiêu dùng nằm trong xu hướng chung trong chuỗi phát triển dịch vụ tài chính trên thế giới.

Cụ thể, từ cuối những năm 1990 khi các sản phẩm tín dụng tiêu dùng và tài chính tiêu dùng được cung cấp bởi hệ thống ngân hàng bắt đầu ra đời và phát triển, đến trước 2007 – khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu được châm ngòi tại Mỹ, thị trường tín dụng tiêu dùng đã ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp toàn cầu. Tổng dư nợ của khu vực hộ gia đình tính theo tỷ lệ phần trăm trên GDP tại Mỹ trong giai đoạn này đã tăng từ 58% lên 97% và tiếp tục xu hướng tăng trong các năm tiếp theo.

Đến ngày 30/9/2022 dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021.
Đến ngày 30/9/2022 dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021.

Tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng đã có bước nhảy vọt cả về số lượng tổ chức tín dụng tham gia, mức độ đa dạng về sản phẩm tài chính tiêu dùng và quy mô dư nợ (dư nợ tăng 1,8 lần 5 năm qua và tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua). Tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân 10 năm 2010-2020 (33,7%) luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay nền kinh tế (17,3%).

Trong 2 năm 2020 và năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên từ đầu năm 2022, theo sự phục hồi của kinh tế - xã hội, tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng nhanh trở lại và đạt mức cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế (từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước trên 21% cuối năm 2022), từ đó ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tiếp tục sức lan tỏa

Riêng trong năm 2022, tăng trưởng cho vay tiêu dùng vẫn ghi nhận tốc độ nhanh hơn so với tăng trưởng tín dụng bình quân. Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 30/9/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2021; trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2021, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Thị trường tín dụng tiêu dùng được phân khúc bởi hai nhóm nhà cung cấp chính là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng như: công ty tài chính tiêu dùng, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức cho vay khác… Gần đây, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa hơn với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính và các hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của các công ty bán lẻ.

Kênh tiếp cận vốn thuận tiện hơn so với tín dụng thông thường cho người dân

Nhóm khách hàng chủ yếu tìm đến giải pháp vay trả góp là những người lao động có thu nhập trung bình thấp, nhu cầu vay vốn cao nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đặc biệt, việc vay qua các công ty tài chính là giải pháp tài chính mà không đòi hỏi người dân về tài sản thế chấp hay bắt buộc phải chứng minh thu nhập thì mới được vay. Ngoài ra, tài chính tiêu dùng được nhiều người dân chọn vay do thủ tục vay đơn giản và giải ngân nhanh hơn so với vay tín dụng thông thường theo quy trình của các ngân hàng.

Theo đánh giá của bà Trần Thanh Nữ Tường Vy - Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance), tiềm năng thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất tốt nhờ các chính sách đúng đắn từ Chính phủ. Trong đó, điểm đáng chú ý của thị trường là nhóm dân số thuộc độ tuổi lao động chín muồi từ 25 - 49 tuổi, cũng là nhóm khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính, chiếm tỷ lệ khá cao với khoảng 40% dân số. “Như vậy, bức tranh lớn về cơ hội cho công ty tài chính còn rất nhiều và cũng là mảnh đất lớn đầy hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư vào Việt Nam” - bà Tường Vy nhận định.

Trong khi đó theo đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam, giai đoạn dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam và các dịch vụ số thu hút tới 41% khách hàng mới (cao hơn trung bình của Đông Nam Á). 94% trong số này có kế hoạch tiếp tục duy trì những hành vi sử dụng dịch vụ số hóa sau dịch bệnh.

Hệ thống dữ liệu lớn, phân tích chuyên sâu và trí tuệ nhân tạo mở ra hàng loạt các cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính và đây cũng là cơ hội cho các đối tác bán lẻ đẩy cao doanh số hơn. Các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng đã triển khai ứng dụng di động, đã chuyển đổi thành nơi khách hàng có thể tự phục vụ qua cách tiếp cận dễ hiểu, nội dung chuyên biệt và những sản phẩm đặc thù theo nhu cầu cá nhân.