Theo Bộ Tài chính, qua rà soát cho thấy Thông tư số 142/2011/TT-BTC (Thông tư số 142) của Bộ Tài chính quy định cụ thể về việc giải ngân vốn vay cho từng dự án; cơ chế hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước đối với phần vốn vay nước ngoài sử dụng nguồn vốn Quỹ Kuwait và Quỹ Saudi.

Bộ Tài chính bãi bỏ hướng dẫn quản lý nguồn vốn vay từ Quỹ Kuwait và Quỹ Saudi
Bộ Tài chính bãi bỏ hướng dẫn quản lý nguồn vốn vay từ Quỹ Kuwait và Quỹ Saudi. Ảnh: Đức Minh

Hiện nay, các thủ tục này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ).

Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, việc bãi bỏ Thông tư số 142 không ảnh hưởng tới các hoạt động giải ngân, trả nợ vay đối với các dự án; cũng như các hoạt động sau giải ngân (như báo cáo, kiểm toán..) do các nội dung này đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 114.

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn vay Quỹ Kuwait và Quỹ Saudi cho các dự án là khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Nguồn vốn này được quản lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn các luật này; quy định về quản lý nguồn vốn ODA.

Nguồn vốn vay Quỹ Kuwait và Quỹ Saudi được cấp phát hoặc cho vay lại từ ngân sách trung ương để tài trợ cho các dự án căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục yêu cầu tài trợ vốn ODA và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, theo nguyên tắc đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương áp dụng cơ chế ngân sách trung ương bổ sung vốn có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh; các dự án đủ điều kiện nhận vay lại theo quy định của Luật Quản lý nợ công áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho vay lại.