CTQH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: H.Y

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, hai nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, dư luận xã hội. Để phiên chất vấn đạt kết quả tốt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu nêu câu hỏi đúng với các nhóm vấn đề, các bộ trưởng trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề được đưa ra, nêu rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình khắc phục các điểm hạn chế.

Khó lồng ghép chính sách để phát triển vùng DTTS miền núi

Báo cáo tại phiên chất vấn về tình hình thực hiện chính sách dân tộc, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho biết, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu...

Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng miền núi đã có sự phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 vùng Tây Bắc đạt 8,4%, Tây Nguyên 8,09% và Tây Nam bộ là 7,26%. Công tác giáo dục, mạng lưới y tế đã có rất nhiều tiến bộ. 100% số xã có trường tiểu học, hầu hết các xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. 99,4% xã có trạm y tế xã, trong đó khoảng 60% trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đến năm 2020. Đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí.

Tuy nhiên, đây vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Chất lượng nhân lực còn thấp, đào tạo nghề còn nhiều bất cập. Tình trạng du canh du cư, di cư tự phát, chặt phá rừng, khiếu kiện tranh chấp đất đai, hoạt động tôn giáo trái pháp luật diễn biến phức tạp, tạo ra một số vụ việc nổi cộm ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc... tiềm ẩn những yếu tố bất ổn.

Vùng DTTS miền núi là vùng trực tiếp chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang có nguy cơ dần bị mai một.

Về mặt chính sách, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn, nhưng các chính sách dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực, kết hợp với các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương để đầu tư phát triển vùng DTTS miền núi.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, như chưa thực sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao, việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách.

Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS miền núi.

ĐVC
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn. Ảnh: H.Y

Cứ 2 người nghèo thì có một người là đồng bào DTTS

Tại phiên chất vấn, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Chủ nhiệm UBDT là giải pháp nào để giảm tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao ở đồng bào DTTS. Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá), cứ 3 đồng bào DTTS thì có 1 người nghèo, 2 người nghèo cả nước thì có 1 người là DTTS. Các đại biểu Cần Thị Mẫn (Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nêu câu hỏi về giảm nghèo đa chiều, giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào DTTS để khắc phục tình trạng tái nghèo.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, đây là vấn đề làm day dứt những cán bộ làm công tác về chính sách dân tộc. Số hộ nghèo cả nước cuối năm 2017 là 1,642 triệu người, trong đó số hộ DTTS nghèo là 864.931 hộ chiếm 52,66%. Thu nhập bình quân chỉ 7 - 8 triệu đồng/người/năm, so với bình quân cả nước chỉ bằng 1/5.

Để khắc phục vấn đề này, UBDT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định 2085 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách này giải quyết ngay 4 nhóm vấn đề là hỗ trợ đồng bào đất ở, hỗ trợ đồng bào đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ đồng bào vay vốn để phát sản xuất.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Chiến cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện các chính sách này vẫn còn một số khó khăn.

Tới đây, Chủ nhiệm UBDT cho biết sẽ tiếp tục có 6 nhóm giải pháp để giải quyết tồn tại trong vấn đề giảm nghèo. Trong đó có các giải pháp về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông thông tin kết nối vùng DTTS với vùng phát triển. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi. Hỗ trợ khởi sự kinh doanh và hỗ trợ sản phẩm bà con làm ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đồng bào tự tin, tự lực vươn lên không trông chờ vào Nhà nước.

Về giảm nghèo đa chiều, Chủ nhiệm UBDT cho biết hiện chuẩn nghèo là 700.000 đồng/tháng, trên 700.000 đồng/tháng là cận nghèo, trong khi có rất nhiều yếu tố, chi phí tác động nên việc thoát nghèo rất mong manh, không bền vững, gặp thiên tai hay là tai nạn bênh tật là lại tái nghèo. Hiện nay, Chính phủ đã quan tâm đến chính sách đối với hộ cận nghèo, đối tượng dễ tái nghèo, kể cả chính sách vay vốn đối với hộ cận nghèo, nhằm bảo đảm thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh việc giải quyết về đất sản xuất để tạo sinh kế cho bà con, Chủ nhiệm UBDT cũng cho biết vừa qua UBDT đã thống kê có 61.000 người dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm việc làm tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

"Rõ ràng, chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới là giải quyết việc làm không chỉ bằng đất sản xuất, mà còn là đào tạo nghề, định hướng để người dân đi lên thành phố kiếm việc làm", Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhận định./.

H.Y