Chờ giải pháp rút ngắn “độ trễ” của lãi suất đầu ra
Nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng ứng dụng công nghệ, tiết kiệm chi phí để hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Duy Dũng

Cầu tín dụng kỳ vọng được cải thiện

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng có sự cải thiện nhưng tăng chậm và ở mức thấp. Số liệu thống kê cho thấy, hết quý I/2023, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tính đến 25/4/2023 cũng mới tăng được 2,75%. Đây là mức rất thấp so với định hướng 14 - 15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin tại phiên họp sáng 1/6 tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết thêm, năm 2023, mọi cơ chế và chính sách cho vay vẫn giữ nguyên nhưng 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng 3%, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022.

Theo các chuyên gia của BSC Research, sau năm 2022 tín dụng tăng trưởng “nóng”, NHNN đã thận trọng hơn trong việc cấp hạn mức năm 2023 cho các ngân hàng (hạn mức lần 1 hầu hết dao động 9 - 10%). Điều này xuất phát từ việc lãi suất tăng cao vào cuối năm 2022 và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy yếu khi các doanh nghiệp nhìn chung hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thiếu vắng đơn hàng và tiêu dùng ảm đạm.

“Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng có danh mục cho vay tập trung đối tượng bán lẻ tiêu dùng, tiểu thương như ACB, VIB, STB… đang có mức tăng trưởng tín dụng kém hơn mặt bằng chung. Ngoài nhóm sản xuất, tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản hạ nhiệt (ước tính tăng 3,51% tính đến 25/4/2023), đặc biệt là sự sụt giảm các khoản vay mua nhà, cũng là nguyên nhân khiến tổng tín dụng tăng trưởng yếu trong những tháng đầu năm” - Chuyên gia của BSC Research cho biết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia của BSC Research cho rằng, cầu tín dụng có thể sẽ được cải thiện từ quý II/2023 sau khi NHNN đưa ra tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ qua các đợt hạ lãi suất điều hành, cũng như đưa ra các chính sách mạnh tay nhằm kích cầu nền kinh tế. “Nhìn chung, BSC giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 của toàn hệ thống đạt 12% trong kịch bản cơ sở, thấp hơn định hướng đầu năm 14 - 15% của NHNN” - Chuyên gia công ty này nhận định.

Cần rút ngắn “độ trễ” giảm lãi suất đầu ra

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm tốc trong những tháng đầu năm 2023 là do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cũng như triển vọng kinh tế nói chung vẫn tương đối ảm đạm. Đánh giá về thời điểm hiện tại, nhìn trên góc độc cung - cầu, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc. Trong khi đó, thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dồi dào, vì vậy lãi suất tiền gửi vẫn kỳ vọng có thể tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Một số ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành, cũng như các chính sách khác của NHNN đã cho thấy chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn là khá quyết liệt. Ghi nhận trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã bước đầu chung tay khi đã hạ lãi suất huy động, từ đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Mặc dù việc hạ lãi suất cho vay thường có độ trễ, tuy nhiên một số ý kiến vẫn bày tỏ rằng, lãi suất cho vay hiện còn ở mức cao nên doanh nghiệp khó tiếp cận, nhất là trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp đang yếu. Do vậy, doanh nghiệp đang mong chờ có thêm giải pháp và sự chung tay “thu hẹp độ trễ” để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Bình luận về triển vọng lãi suất, chuyên gia của SSI Research cho rằng, theo kịch bản cơ sở, lãi suất có thể giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2024.

“Chúng tôi nhận thấy lãi suất huy động đã giảm tới 250 - 300 điểm cơ bản so với đầu năm, thì mức điều chỉnh lãi suất mua nhà lại chưa được nhiều do các khoản cho vay mua nhà được đánh giá là khá rủi ro liên quan tới các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Với lãi suất vay mua nhà hiện tại dao động quanh khoảng 13%, chúng tôi cho rằng có thể cần phải cắt giảm thêm lãi suất này từ 150 - 200 điểm cơ bản mới có thể kích thích được nhu cầu trên thị trường bất động sản, điều này rất có thể sẽ xảy ra vào năm 2024. Tại thời điểm đó, tình hình thanh khoản sẽ tốt hơn khi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ đi vào thực tiễn” - Chuyên gia của SSI Research phân tích.

Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm

Theo dữ liệu từ VNDIRECT, trong tháng 5, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,4 điểm % về mức 6,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6% đến 8,2%/năm với mức trung bình khoảng 7,2%/năm, giảm gần 0,3 điểm % so với cuối tháng 4. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động giảm đáng kể nhất khoảng 0,4 - 0,6%/năm ở một số ngân hàng như TCB, VPB, STB, ACB, LPB, NAB, MSB, hay OCB.