bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Với mức kinh phí đóng góp giảm từ 5% xuống còn 1%, tăng trưởng dự kiến BHCNBB sẽ đạt 14%/năm trong các năm tiếp theo. Ảnh T.L minh họa

Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP (NĐ 130) và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP (NĐ 46) về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB).

Sửa quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định gồm 3 chương và 22 điều, trong đó quy định thêm nguyên tắc tham gia BHCNBB như sau: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải triển khai BHCNBB theo đúng điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật. Trường hợp bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm với điều kiện mở rộng hơn thì có thể thỏa thuận với DNBH và đóng thêm phí bảo hiểm.

Cùng với đó, nhằm hướng dẫn rõ hơn trong trường hợp không xác định được giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về các nguyên tắc thỏa thuận giữa DNBH và bên mua bảo hiểm về số tiền bảo hiểm trong các trường hợp này. Cụ thể, đối với nhà, máy móc thiết bị, số tiền bảo hiểm là giá trị thành tiền theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế mới của tài sản tại thời điểm tham gia bảo hiểm do các bên thỏa thuận. Đối với các loại tài sản khác, số tiền bảo hiểm là giá trị thành tiền theo khai báo của bên mua bảo hiểm.

Về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trên cơ sở quy định tại Điều 10 NĐ 130, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp DNBH không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm. Đây là các trường hợp thiệt hại xảy ra do hành vi cố ý của bên mua bảo hiểm, thiệt hại xảy ra do các yếu tố mang tính thảm họa (như vũ khí hạt nhân, động đất, núi lửa), thiệt hại có thể dự kiến trước sẽ xảy ra (như máy móc thiết bị chạy quá tải, quá áp lực gây ra cháy, nổ...).

Cũng theo Bộ Tài chính, thực tế, phí BHCNBB phụ thuộc vào thị trường tái bảo hiểm quốc tế (do các DNBH phải thực hiện tái bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài chính). Vì vậy, để đảm bảo linh hoạt, dự thảo Nghị định quy định về phí bảo hiểm phải được xây dựng trên cơ sở số liệu thống kê, đảm bảo khả năng thanh toán của DNBH, tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm; giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc xác định phí BHCNBB theo từng loại cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Về kinh phí đóng góp và cơ chế quản lý sử dụng kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy (PCCC), dự thảo Nghị định quy định mức kinh phí đóng góp là 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc BHCNBB của DNBH (hiện nay theo quy định tại Nghị định số 130/2006/NĐ-CP, mức đóng góp là 5%). Theo Bộ Tài chính, với mức kinh phí đóng góp này, mức tăng trưởng dự kiến BHCNBB sẽ đạt 14%/năm trong các năm tiếp theo và nội dung sử dụng kinh phí đóng góp từ BHCNBB, số tiền đóng góp này sẽ vẫn đảm bảo duy trì việc hỗ trợ cho hoạt động PCCC, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các DNBH khi triển khai thực hiện BHCNBB.

Đồng thời, để phù hợp với điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 54 Luật PCCC, dự thảo Nghị định quy định chế độ quản lý, sử dụng kinh phí đóng góp từ BHCNBB cho hoạt động PCCC. Theo đó, việc sử dụng kinh phí phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, phải được lập dự toán, đúng quy định pháp luật.

Nội dung sử dụng kinh phí gồm: Hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC (40%); công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và BHCNBB (30%); hỗ trợ giám định, kiểm tra an toàn về PCCC và BHCNBB (20%); khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC (10%).

Khắc phục những tồn tại trong thực tế

Trước đó theo số liệu do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cung cấp, hiện nay trên toàn quốc có 77.892 cơ sở thuộc diện phải mua BHCNBB theo quy định pháp luật, trong đó có 43.693 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ (chiếm 56%).

Theo báo cáo của các DNBH phi nhân thọ, giai đoạn 2007 - 2016, doanh thu phí bảo hiểm gốc BHCNBB đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc BHCNBB khoảng 3.500 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 39,3%) đã góp phần giúp các tổ chức, cá nhân không may bị thiệt hại do cháy, nổ kịp thời và chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, trong giai đoạn 2007 - 2016, các DNBH phi nhân thọ đã trích nộp 72,47 tỷ đồng (tương đương 5% phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm) để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, góp phần đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ tuyên truyền, khen thưởng, phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện công tác đề phòng, hạn chế tổn thất.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 130 và Điều 2 NĐ 46 cũng gặp một số vướng mắc. Cụ thể, một số quy định tại các Nghị định này chưa thống nhất với Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) và Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Mặt khác, hiện chưa có quy định về chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ BHCNBB cho hoạt động PCCC để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật PCCC; một số quy định còn trùng lắp hoặc cần phải quy định rõ hơn để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện,...

Cũng theo Bộ Tài chính, báo cáo của các DNBH cho thấy, kết quả kinh doanh BHCNBB còn thấp. Giai đoạn 2013-2015, kết quả hoạt động kinh doanh toàn thị trường lỗ 746 tỷ đồng, đặc biệt năm 2014 lỗ 682 tỷ đồng do các DNBH phải bồi thường cho các tổn thất xảy ra ngày 13-14/5/2014 do một số đối tượng gây rối tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh gây ra.

Trong khi đó, mức trích nộp kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC là 5% tổng số phí BHCNBB đã thu được chưa tạo thuận lợi cho DNBH trong kinh doanh BHCNBB. Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng điều chỉnh tỷ lệ trích nộp của các DNBH song vẫn đảm bảo được nội dung đóng góp kinh phí cho hoạt động PCCC.

Ngoài ra, một số quy định tại NĐ 130 còn trùng lắp, cần sửa để đảm bảo rõ ràng, logic, thuận lợi khi triển khai (như quy định về mua BHCNBB (Điều 3), đối tượng phải mua BHCHBB (Điều 5), DN kinh doanh BHCNBB (Điều 4) và tài sản phải tham gia BHCNBB (Điều 6)); một số quy định cần rà soát để sửa đổi đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai (như quy định về số tiền bảo hiểm (Điều 7), loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (Điều 10)).

Do đó, việc sửa đổi NĐ 130 và Điều 2 NĐ 46 sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, DNBH và các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trong áp dụng thi hành và thực hiện BHCNBB.

Đồng thời, với việc ban hành Nghị định thay thế hai Nghị định trên cũng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng trong việc tra cứu và áp dụng để triển khai BHCNBB trong thực tế./.

Hoàng Lâm