DNNN

Ảnh minh họa

Từ nay đến hết 31/12/2015, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải thoái hết phần vốn hơn 17.655 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính.

Trước đó theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (DN), tính đến cuối năm 2013, các DNNN mới thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính, đạt 19%, bảo toàn được vốn theo đúng các quy định hiện hành. 81% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành còn lại của các DNNN, tương đương hơn 17.655 tỷ đồng sẽ phải thoái hết từ nay đến 31/12/2015.

Thoái hơn 17 nghìn tỷ đồng: Không đáng lo ngại

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, việc thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm mạnh thời gian qua đã khiến việc thoái vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn đều thuộc diện phải nhanh chóng thu hồi, chuyển vào ngân sách nhà nước nhằm tập trung cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, giúp giảm bớt thua lỗ cho DN và giảm gánh nặng nợ nần cho ngân sách.

Đánh giá về khả năng thoái hết phần vốn này của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Ðổi mới và phát triển DN cho rằng, con số hơn 17 nghìn tỷ đồng là không đáng lo ngại.

“Chúng ta cần nhìn nhận tương quan: 17 nghìn tỷ đồng đặt riêng thì rất lớn, nhưng khi chúng ta nhìn ra xa hơn, đặt trong tổng thể thực tiễn hoạt động của DNNN thì lại rất khác. Bởi so với tổng số vốn điều lệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào khoảng 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% tổng số vốn DNNN), 17 nghìn tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 2% thôi”, ông Muôn nói.

Tuy nhiên trên thực tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán chưa thật sự khởi sắc như hiện nay, nhiệm vụ thu hồi đúng thời hạn toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành nói trên quả thật cũng không phải đơn giản.

Bán theo cách nào thì cũng phải đảm bảo hiệu quả nhất, đồng thời ràng buộc và quy định rõ trách nhiệm của hội động thành viên, của ban điều hành DN cũng như của những người quyết định khoản đầu tư...

đặng quyết tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Để tháo gỡ những "nút thắt" liên quan đến việc tái cơ cấu DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP trong đó có bổ sung quy định cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá. Song về nguyên tắc, DN vẫn phải có trách nhiệm bảo toàn vốn đầu tư.

Trường hợp thoái vốn dưới giá trị sổ sách, kể cả dưới mệnh giá, thì cũng cần bảo toàn vốn đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế số lỗ phát sinh khi thoái vốn dưới giá trị sổ sách.

“Bán theo cách nào thì cũng phải đảm bảo hiệu quả nhất, đồng thời ràng buộc và quy định rõ trách nhiệm của hội động thành viên, của ban điều hành DN cũng như của những người quyết định khoản đầu tư”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính khẳng định.

Theo ông Tiến, trường hợp thật sự mất vốn hoàn toàn, tức là có đấu giá, chấp nhận bán theo phương thức thỏa thuận nhưng dưới giá trị sổ sách quá nhiều thì phải kiểm điểm trách nhiệm của người quyết định đầu tư, sau đó là trách nhiệm của chủ sở hữu.

“Sau khi tính toán các khoản đền bù, xử lý trách nhiệm của từng chủ thể tham gia quyết định đầu tư, đại diện chủ sở hữu là các bộ chủ quản cùng với Bộ Tài chính xem xét thực hiện thoái vốn theo đúng Nghị định 71 của Chính phủ và các Nghị quyết về thoái vốn cũng như các hướng dẫn”, ông Tiến nói.

Thời hạn chốt vẫn là 31/12/2015

Để thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo quyết định về đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước tại DN giai đoạn 2013 - 2015 để áp dụng trên thực tế.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, dự thảo Quyết định sẽ nhắc lại những quy định cũ, nhưng theo hướng mở rộng, hướng dẫn cụ thể hơn. Khi thoái vốn vẫn phải đảm bảo theo đúng nguyên tắc mà Nghị quyết 26 của Chính phủ đưa ra: thoái vốn theo thị trường, công khai, minh bạch, có lộ trình, nhằm kêu gọi và tận dụng được nguồn lực của các nhà đầu tư tham gia. “Có bán công khai mới biết giá trị thực của tài sản DN đang sở hữu. Tất nhiên thời hạn vẫn chốt đúng theo chỉ đạo của Chính phủ là trước ngày 31/12/2015”, ông Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, Quyết định sẽ nêu rõ, trong trường hợp DN không thoái được vốn phải chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành đó cho những tổ chức có chức năng tiếp nhận quản lý vốn của Nhà nước theo hình thức thoái vốn. Nhưng, ngay cả trong tình huống thoái vốn này, cũng phải theo thị trường, công khai, minh bạch và có lộ trình.

Bên cạnh đó, Quyết định của Bộ Tài chính cũng sẽ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc Ngân hàng Nhà nước tiếp quản phần vốn đầu tư của các tập đoàn tại ngân hàng thương mại hoặc các công ty tài chính. Những đơn vị có chức năng này sẽ có những quy trình, có cách tính toán để thoái vốn hiệu quả, đạt giá trị lớn nhất cho Nhà nước.

Sau khi hoàn tất, lấy ý kiến các bộ, ngành và các bên liên quan, dự kiến trong tháng 4 này, dự thảo Quyết định sẽ được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành./.

Hoàng Lâm