Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Lê Đức Thọ đã cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCVN về giải pháp trọng tâm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (CBLGLTM) của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn những tháng cuối năm 2018.

* P.V: Xin ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác đấu tranh CBLGLTM của đơn vị từ đầu năm tới nay?

- Ông Lê Đức Thọ: Từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu tập trung lực lượng, chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng chốt chặt tại các đường mòn, lối tắt; Đội Kiểm soát hải quan chủ động trong công tác điều tra nắm tình hình, phối hợp với các chi cục hải quan trong ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hàng hóa nhập lậu.

Theo đó, tính đến ngày 12/10/2018, đơn vị đã bắt giữ 556 vụ vi phạm, trị giá ước tính hơn 34 tỷ đồng, tăng 6% về số đầu vụ và tăng 272,6% về trị giá hàng hóa vi phạm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vi phạm hành chính về hải quan là 418 vụ với trị giá hơn 32,9 tỷ đồng; buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới 126 vụ với trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, tiền giả 3 vụ với trị giá 315 triệu đồng; vi phạm khác: 9 vụ, 128,9 kg pháo.

Đồng thời, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 418 vụ, với trị giá tiền phạt hơn 6,3 tỷ đồng; bán hàng tịch thu sung quỹ nhà nước hơn 986,6 triệu đồng...

Ông Thọ

Ông Lê Đức Thọ

* P.V: Đấu tranh CBLGLTM là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài và đầy thách thức, nhất là đối với tỉnh biên giới như Lạng Sơn. Vậy, đơn vị đã có giải pháp gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này?

- Ông Lê Đức Thọ: Khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn từ lâu đã trở thành điểm “nóng” về buôn lậu, do có hơn 231km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Trên tuyến biên giới, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, là nơi diễn ra các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ, đi liền với đó là các loại tội phạm lợi dụng địa bàn để hoạt động. Do đó, tình hình buôn lậu qua biên giới luôn luôn diễn biến phức tạp.

Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan do Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn quản lý có diện tích rất lớn và trải dài qua 5 huyện biên giới là Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Các tuyến đường vận chuyển hàng lậu chủ yếu vẫn là các đường mòn lối mở, hai bên cánh gà cửa khẩu và dọc tuyến biên giới. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng, may mặc, điện tử, mặt hàng cấm như pháo nổ, đồ chơi bạo lực, hàng thực phẩm không an toàn…Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là gian lận về số lượng, chủng loại, chính sách mặt hàng.

Tùy từng thời điểm và những thay đổi về cơ chế chính sách, cũng như nhu cầu của thị trường, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới “tung ra” nhiều chiêu khác nhau để thu lợi bất chính.

Trước tình hình đó, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ vi phạm. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 911/KH-TCHQ của Tổng cục Hải quan về triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2018; Kế hoạch số 2724/KH-HQLS của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn về triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2018.

Đơn vị cũng chủ động bố trí lực lượng thường trực 24/24h tại các đường mòn trọng yếu; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quyết liệt ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép để hạn chế cư dân mang vác hàng lậu đi qua biên giới…

* P.V: Gần dịp Tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động BLGLTM diễn biến phức tạp hơn. Để kiểm soát tình hình, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chủ động lên phương án, kế hoạch phòng ngừa như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông Lê Đức Thọ: Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động BLGLTM và hàng giả; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và quản lý tốt địa bàn, chúng tôi tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng BLGLTM qua các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn để ngăn chặn việc BLGLTM tại các đường mòn biên giới phụ cận cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý rủi ro, chủ động rà soát các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn..

Đặc biệt, chúng tôi đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình về địa bàn, tuyến đường thường xuyên diễn ra hoặc có khả năng diễn ra các hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Song song đó, tổ chức tuần tra, kiểm soát hai bên cửa khẩu, xác định đối tượng trọng điểm; chốt chặn tại các tuyến, địa bàn chủ yếu. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, không để hình thành các đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Ngoài ra, cơ quan hải quan chủ động phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc địa bàn, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tố giác, cung cấp thông tin, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh