Đẩy mạnh thanh toán điện tử

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong đời sống xã hội, ngay từ năm 2011, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai Đề án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Hải quan – KBNN”. Đến năm 2018, KBNN đã hoàn thành việc thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, hiện đại hóa hoạt động thanh toán KBNN với 5 hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) là BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank và MB Bank với gần 670 tài khoản thanh toán và gần 1.100 tài khoản chuyên thu trong toàn hệ thống.

Cho đến thời điểm này, KBNN đã triển khai phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử thêm với 10 NHTM cổ phần (SHB, VBbank, Techcombank, HDbank, SeAbank, LienVietPostbank, OCB, MSB, TPBank và ACB), nâng tổng số NHTM phối hợp thu chi NSNN với KBNN lên 15 ngân hàng. Tổng số tài khoản phục vụ thu NSNN của KBNN mở tại các NHTM là 2.045 tài khoản (trong đó, văn phòng KBNN tỉnh 411 tài khoản, KBNN huyện là 1.634 tài khoản); số lượng tài khoản thanh toán bằng VNĐ là 711 tài khoản; số lượng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ là 61 tài khoản.

Ngoài việc mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN, KBNN đã luôn khuyến khích khách hàng thực hiện việc thu nộp NSNN qua POS (máy chấp nhận thẻ) tại các đơn vị KBNN; vận động các tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN sử dụng các hình thức thu nộp điện tử qua Cổng dịch vụ công quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các NHTM (internet banking, mobile banking, ATM) hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan…

Kho bạc Nhà nước khuyến khích thu nộp ngân sách điện tử.
Kho bạc Nhà nước khuyến khích thu nộp ngân sách điện tử.

Trong chi NSNN, để hạn chế và tiến tới không còn chi trả bằng tiền mặt trực tiếp, KBNN đã thực hiện chi trả qua các hệ thống thanh toán điện tử (Thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán liên kho bạc, thẻ tín dụng trong chi NSNN). Bên cạnh đó, KBNN cũng đã hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng ngân sách áp dụng các hình thức TTKDTM trong chi NSNN như: chi chuyển khoản, chi thông qua các ứng dụng của NHTM và trung gian thanh toán (internet banking, mobile banking).

Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc TTKDTM trong hệ thống KBNN đã góp phần làm tăng số tiền và tỷ trọng thu, chi bằng các hình thức TTKDTM so với tổng thu, chi qua KBNN. Theo tổng hợp của KBNN, năm 2020, số thu bằng hình thức TTKDTM đạt 99,4%; số chi bằng hình thức TTKDTM đạt 98,6%. Năm 2021, số thu, chi bằng TTKDTM lần lượt là 99,6% và 99,4%.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý

Với các giải pháp đã thực hiện, việc TTKDTM trong hệ thống KBNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thành công chỉ đạo của Chính phủ, tạo thói quen cho người dân trong việc TTKDTM.

Phát huy những kết quả đã đạt được và thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt tại KBNN và giảm tới mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN, hoàn thành kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin của KBNN, chia sẻ dữ liệu và thực hiện cung cấp dữ liệu mở, tiến tới kho bạc số, KBNN đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về TTKDTM trong toàn hệ thống. Trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành một số nghị định, thông tư về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, quy định về quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN, các quy định về hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua KBNN nhằm đơn giản và tối thiểu hóa các thủ tục, nội dung chi bằng tiền mặt.

Vận động khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) Kho bạc Nhà nước (KBNN) thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM trong giao dịch. Theo đó, KBNN đã yêu cầu các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố, quận, huyện vận động và khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức TTKDTM ngay trong quá trình khách hàng đến giao dịch với KBNN bằng thái độ tích cực, thân thiện. Đặc biệt, KBNN hướng dẫn người dân trong việc nộp NSNN bằng các phương thức điện tử và giới thiệu cho các đơn vị sử dụng ngân sách về tiện ích thanh toán mà các ngân hàng thương mại đã cung ứng như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại… trên cơ sở tài khoản trả lương cho cán bộ, công chức.

Hệ thống KBNN thực hiện nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông bằng việc hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng của KBNN với các cơ quan thuế, hải quan, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và hệ thống thanh toán của các NHTM; hoàn thiện các hệ thống thanh toán của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản này của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước.

Để đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống NHTM; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại qua QR Code, mobile – money, ví điện tử, mobile – banking.

Đặc biệt, KBNN cho biết, sẽ định kỳ hàng năm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ chi thanh toán cho cá nhân qua tài khoản, nhất là địa điểm đặt máy ATM của các hệ thống NHTM tại từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính quyết định mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cho cá nhân qua tài khoản, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời triển khai trên diện rộng việc KBNN kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ sử dụng trước, thanh toán sau (điện, nước, viễn thông…) theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Phối hợp với các ngân hàng trong thu - chi ngân sách nhà nước

Báo cáo từ KBNN Bến Tre cho biết, Đề án TTKDTM của KBNN đã được đơn vị triển khai thành công với 97% các khoản thu NSNN được thực hiện tại các NHTM cổ phần - nơi KBNN Bến Tre mở tài khoản, 3% các khoản thu NSNN còn lại được hạch toán qua hình thức ghi thu, ghi chi tại đơn vị; 98,8% đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện thanh toán các khoản chi cá nhân qua tài khoản mở tại NHTM.

Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của KBNN Bến Tre trong việc thực hiện các giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất việc thanh toán tiền mặt trực tiếp tại đơn vị. Theo đó, ngoài việc phối hợp thu NSNN với 7 chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn tỉnh, KBNN Bến Tre cũng đã triển khai việc quản lý thu NSNN bằng mã định danh điện tử với bước đầu khởi động bằng việc thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Đồng thời KBNN Bến Tre đã thực hiện chi lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản và quản lý chặt chẽ các nội dung được phép rút tiền mặt.