Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các công trình đầu tư công chậm tiến độ
Toàn cảnh hội nghị sơ kết công tácđầu tư công 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: CTV

Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang là 5.124 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính đến hết tháng 6/2022, địa phương giải ngân được trên 1.315 tỷ đồng, đạt 25,66% so với kế hoạch (cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 6,73%), trong đó vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân 1.036 tỷ đồng, đạt 26,36% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương đã giải ngân 278,875 tỷ đồng, đạt 23,36% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) đã giải ngân 35,216 tỷ đồng, đạt 35,57% kế hoạch. Một số sở, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp về tăng cường giải ngân vốn đầu tư công của các sở, ngành, các địa phương vẫn chậm và chưa quyết liệt, chưa đạt được tiến độ quy định.

Một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra; chưa giải ngân theo kế hoạch theo chỉ thị của UBND tỉnh.

Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các công trình đầu tư công chậm tiến độ
Thi công kè lấn biển, chắn sóng tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: KT

Trong 6 tháng đầu năm, một số công trình chậm triển khai và hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công đối với các công trình triển khai mới năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm như: Đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương; đường 3/2 nối dài (đường bộ ven biển tỉnh Kiên Giang - đoạn qua địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Châu Thành); đường Minh Lương - Giục Tượng; đường tránh thị trấn Kiên Lương; kè chống sạt lở kênh Hà Giang...

Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, phần lớn các đơn vị chậm, hoặc chưa xây dựng kế hoạch triển khai cho từng dự án cụ thể để có giải pháp chỉ đạo điều hành cho phù hợp theo kế hoạch dự án. Công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, còn chậm, quy trình thủ tục còn kéo dài, khiếu nại khiếu kiện trong công tác lập phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng tiến độ của nhiều công trình.

Để thực hiện hoàn thành và phấn đấu giá trị giải ngân đạt 100%, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị các ban quản lý dự án, chủ đầu tư tiếp tục rà soát lại kế hoạch, tiến độ các dự án, theo dõi tiến độ giải ngân của 6 tháng còn lại. UBND các địa phương rà soát tiến độ hàng tháng, báo cáo theo quy định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì giám sát, tổng hợp những ngành, địa phương giải ngân chậm đề nghị cắt, giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn; ngoài ra, rà soát lại năng lực thi công các đơn vị, nhà thầu để đảm bảo tiến độ thực hiện.