Kỳ vọng gỡ khó cho doanh nghiệp từ cơ chế tài chính, kế toán mới

PV: Dưới góc độ tài chính, kế toán, ông nhìn nhận như thế nào về những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp (DN) phát triển hạ tầng tại Việt Nam?

Ông Phạm Nam Phong: Theo Tổng cục Đường bộ, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 62 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó có 8 dự án đang tạm dừng thu phí. Trên thực tế, trong giai đoạn đầu đưa công trình vào vận hành thu phí, nhiều DN còn ghi nhận doanh thu dưới công suất dự kiến, kết hợp với áp lực lớn từ chi phí lãi vay ngân hàng do tỷ lệ vốn vay cao (trên 80%) và chi phí khấu hao khiến tình hình lợi nhuận của các DN giảm sút, thậm chí thua lỗ nhiều năm liền.

Kỳ vọng gỡ khó cho doanh nghiệp từ cơ chế tài chính, kế toán mới
Ông Phạm Nam Phong

Để hỗ trợ các DN, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách điều tiết phí theo lộ trình quy định, hoặc cho phép nhà đầu tư được kéo dài thời gian thu phí. Tuy các biện pháp này sẽ bảo đảm lợi ích của DN trong dài hạn, DN vẫn cần giải bài toán lợi nhuận hiện tại thông qua một số giải pháp tình thế như chính sách khấu hao theo sản lượng, hoặc ghi nhận phù hợp giữa doanh thu và chi phí phát sinh.

PV: Vậy theo ông, liệu có giải pháp tình thế nào về cơ chế kế toán mà DN phát triển hạ tầng có thể tham khảo để giải bài toán lợi nhuận hiện tại hay không?

Ông Phạm Nam Phong: Theo tôi, với các giải pháp tình thế, DN có thể áp dụng cơ chế tài chính linh hoạt theo thông lệ quốc tế cho hoạt động xây dựng và khai thác công trình công cộng theo hướng dẫn của chuẩn mực kế toán quốc tế đã có hiệu lực là IFRIC 12 - Thỏa thuận chuyển giao việc cung cấp dịch vụ công.

Theo hướng dẫn của IFRIC 12, việc đầu tiên DN cần làm là đánh giá để ghi nhận doanh thu, lãi lỗ từ việc xây dựng công trình khi thực hiện hoạt động xây dựng và nghiệm thu công trình. Nói cách khác là ghi nhận như một nhà thầu xây dựng thông thường. Tiếp đó, sẽ có các trường hợp ứng với các mô hình cụ thể.

Thông lệ tốt cho các doanh nghiệp

IFRIC 12 ban hành là một thông lệ tốt để phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh gắn với đặc thù của hoạt động xây dựng và khai thác công trình công cộng. Dự thảo chuẩn mực mới sẽ tiếp tục đưa ra nhiều điểm mới, phù hợp hơn với các doanh nghiệp có hoạt động được điều tiết giá bởi cơ quan nhà nước. Cụ thể là đã đưa ra một cơ chế cho phép doanh nghiệp ghi nhận một khoản mục tài sản, công nợ dựa trên quyền tăng, giảm giá phí trong tương lai cũng như tương ứng một khoản doanh thu, chi phí điều tiết giá bởi nhà nước.

Trường hợp thứ nhất là khi DN nhận được một tài sản tài chính ứng với các khoản mà cơ quan cấp phép đã cam kết hoàn trả vô điều kiện cho DN. Trong trường hợp này, hàng kỳ DN ghi nhận doanh thu lãi theo giá trị ghi sổ còn lại của tài sản tài chính (hay còn được hiểu là ghi nhận như DN đang cấp vốn cho vay). Phần thanh toán được cam kết hàng kỳ từ cơ quan cấp phép được ghi giảm vào giá trị ghi sổ của tài sản tài chính.

Trường hợp thứ hai, DN sẽ thu hồi tiền thông qua việc vận hành công trình khi đưa vào sử dụng. Khi đó, DN nhận được một quyền khai thác tương ứng với phần tiền sẽ được nhận và ghi nhận quyền khai thác này như một tài sản vô hình theo chuẩn mực quốc tế. Hàng kỳ, DN ghi nhận doanh thu từ khai thác tài sản công trình được xây dựng theo các quy định kế toán về ghi nhận doanh thu thông thường và phân bổ khấu hao cho quyền khai thác tài sản đã ghi nhận. Ngoài ra, chuẩn mực cũng cho phép DN có thể áp dụng mô hình kết hợp giữa mô hình tài sản tài chính và tài sản vô hình nêu trên tùy thuộc vào đặc điểm của hợp đồng.

PV: Ông có chia sẻ gì thêm về cơ chế tài chính quốc tế liên quan đến các phương án hỗ trợ của nhà nước để gỡ khó cho DN không, thưa ông?

Ông Phạm Nam Phong: Trên thực tế, cơ quan cấp phép cũng có thể đảm bảo cho DN tham gia được hưởng một khoản lợi nhuận được phép xác định trên chi phí đã bỏ ra thông qua cơ chế điều tiết giá phí dịch vụ qua các thời kỳ. Theo cơ chế này, nếu trong kỳ DN không đạt hoặc vượt quá mức lợi nhuận đã thỏa thuận với cơ quan cấp phép thì giá phí dịch vụ của kỳ tiếp theo sẽ được điều tiết tăng/giảm để đảm bảo bù đắp hoặc bồi hoàn cho phần chênh lệch lợi nhuận đó. Tuy nhiên, với chuẩn mực kế toán quốc tế hiện hành, khoản lợi nhuận được thỏa thuận theo cơ chế điều tiết giá này sẽ không được thể hiện trên báo cáo tài chính của DN, do đây chỉ là quyền/nghĩa vụ sẽ phát sinh trong tương lai.

Chính vì vậy, Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đang nghiên cứu và đã ban hành dự thảo chuẩn mực mới mang tính đột phá về tài sản/(công nợ) do điều tiết giá bởi nhà nước. Theo phương án mới này, các DN được ghi nhận trước ngay một khoản tài sản (tài sản do điều tiết giá của nhà nước) và doanh thu tương ứng với quyền mà DN sẽ thu được trong tương lai theo kế hoạch lợi nhuận đã thỏa thuận với Nhà nước thông qua cơ chế điều tiết giá (cơ chế tăng giá trong các kỳ sau). Nói cách khác, khi không đạt được lợi nhuận kỳ vọng, cụ thể là giá bán chưa đủ để bù đắp chi phí trong kỳ, thì ngoài việc ghi nhận doanh thu từ vận hành như các quy định kế toán thông thường, DN còn được ghi nhận ngay một khoản tăng doanh thu điều tiết.

Tương ứng, với các kỳ DN đạt mức lợi nhuận cao hơn so với lợi nhuận đã thỏa thuận, DN sẽ ghi nhận các nghĩa vụ phải trả (công nợ do điều tiết giá của nhà nước) và chi phí tương ứng. Điều này giúp DN tránh được những biến động bất thường trong kết quả hoạt động kinh doanh để phù hợp với đặc thù gắn với cơ chế điều tiết giá qua các thời kỳ.

PV: Từ góc nhìn của chuyên gia tư vấn, ông có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước xung quanh vấn đề này để đảm bảo thúc đẩy, khơi thông nguồn vốn cho phát triển hạ tầng tại Việt Nam?

Ông Phạm Nam Phong: Tôi cho rằng, trước mắt, các cơ quan quản lý về tài chính, kế toán ở Việt Nam có thể cân nhắc tiếp tục đánh giá các thông lệ quốc tế này và thực tiễn hiện nay để có thể trong ngắn hạn ban hành các hướng dẫn có tham khảo đến IFRIC 12 với mô hình tài sản tài chính, mô hình tài sản vô hình để tháo gỡ khó khăn của các DN. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu các nội dung cốt lõi của dự thảo chuẩn mực quốc tế mới để đi tắt đón đầu, vận dụng sớm việc ghi nhận doanh thu, chi phí điều tiết giá bởi nhà nước đối với các hoạt động, lĩnh vực thích hợp nhằm kịp thời thúc đẩy, khơi thông nguồn vốn cho phát triển hạ tầng tại Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các tổ chức tín dụng: Từ 1/4 áp dụng quy định mới về kế toán và chế độ báo cáo tài chính

Theo nội dung quy định tại Thông tư số 27/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/4, việc thực hiện các quy định liên quan đến tài khoản kế toán và chế độ báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực.

Thông tư 27 đề cập đến các tài khoản chứng khoán kinh doanh, trong đó chứng khoán kinh doanh gồm chứng khoán nợ, chứng khoán vốn và chứng khoán kinh doanh khác. Chứng khoán kinh doanh phân loại ra khỏi nhóm khi không còn nắm giữ với mục đích bán lại trong thời gian ngắn. Tổ chức tín dụng phải trình bày nguyên nhân và ảnh hưởng của việc phân loại lại trong tổng tài sản, công nợ và nguồn vốn cũng như thu nhập và chi phí của tổ chức tín dụng. Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần bao gồm cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư ra ngoài tập đoàn không vượt quá 11% vốn điều lệ hoặc 11% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại công ty nhận vốn góp. Khoản thu nhập này thể hiện phần được sở hữu trong tổng lợi nhuận hoặc lỗ của các công ty liên doanh, liên kết được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu, kể cả các điều chỉnh do áp dụng các chính sách kế toán khác nhau.