Covid-19 tạo môi trường cho tín dụng đen

Bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phải thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất, người lao động mất việc làm, đứt gãy chuỗi cung ứng... Ngoài ra, một bộ phận thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc...

Mở rộng tín dụng chính thống “đấu” tín dụng đen - cuộc chiến còn cam go

Trong khi đó, đối tượng tín dụng đen thường nhằm vào những đối tượng dễ bị tổn thương, chính là những người bí bách về tiền bạc và họ thường tìm đến những địa chỉ cho vay tiền với những điều kiện dễ dãi. Nhiều khi chỉ cần những giấy tờ đơn giản như chứng minh thư, bằng lái xe… là có thể vay được tiền. Tuy nhiên, đây chính là những cái bẫy được cài sẵn và “con mồi” đã dính vào thì rất khó thoát ra.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, nhiều trường hợp người dân chỉ cần vay một khoản tiền nhỏ khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Họ có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng. Dần dần, người vay bị ngập sâu vào đường dây dẫn đến việc phải vay khoản sau trả lãi cho khoản trước.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen), lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can... Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, công an đã tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng…

Ngoài ra, tội phạm tín dụng đen không chỉ bó hẹp trong tội danh cho vay nặng lãi, mà còn là mầm mống phát sinh những tội phạm khác như: giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, giam giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở người khác, cướp tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng…

Đẩy mạnh tín dụng chính thống “đấu” tín dụng đen

Một trong những giải pháp cơ bản được phần lớn giới chuyên môn đồng thuận là đẩy mạnh tín dụng chính thống, nhất là khu vực nông thôn để đẩy lùi tín dụng đen.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng thời gian vừa qua đã cải tiến quy trình thủ tục cho vay, áp dụng các dịch vụ công trực tuyến, cũng như ban hành nhiều quy định để tăng khả năng tiếp cận chính thức, mở rộng cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, mở rộng đối tượng dịch vụ… Trong thời gian tới, các ngân hàng cũng tiếp tục hiện đẩy mạnh chuyển đổi số, định danh khách hàng, dùng tài khoản viễn thông, đa dạng dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản thủ tục… để khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức hơn nữa.

Đó là những giải pháp cơ bản mở ra nhiều hy vọng việc tín dụng chính thức lan tỏa mạnh mẽ hơn đến người dân, qua đó đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trên chặng đường phía trước cũng không ít gian nan.

Theo chia sẻ của đại diện ngành Ngân hàng, các đối tượng tín dụng đen thời gian qua cũng chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động. Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng tín dụng đen vẫn có “khách hàng”, nhất là với các nhu cầu vay vốn phục vụ các mục đích không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

Ngoài ra, các đối tượng hoạt động tín dụng đen cũng biến đổi hình thức không ngừng, chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào “khách hàng”. Ngày nay, tín dụng đen cũng thực hiện giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng, thu lãi suất trong phạm vi quy định… Tuy nhiên, lãi suất tín dụng đen được biến tướng theo các hình thức kín đáo hơn như thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt, ép mua bán tài sản…

Tín dụng đen “biến thể” không ngừng

Từ năm 2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động. Nhưng một số công ty đòi nợ vẫn núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, cho thuê mượn nhân viên (để đi đòi nợ)…

Nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản xuất hiện trên không gian mạng, thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khách hàng nếu cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.