Kiểm toán Nhà nước đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai của các địa phương Lựa chọn đơn vị, địa phương để giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án treo, ôm đất bỏ hoang gây lãng phí đất đai

Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Nhiều báo cáo nộp chậm, chất lượng sơ sài

Trình bày báo cáo kết quả bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo chủ yếu phản ánh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát…

Trong giai đoạn 2016 - 2021, các Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) của Chính phủ và các chương trình THTK, CLP hằng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương cơ bản đều chậm. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và ban hành chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Đánh giá về công tác quản lý, điều hành NSNN trong giai đoạn 2016-2021, đoàn giám sát cho rằng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra…

Đối với quản lý tài nguyên, theo báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát thấy rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, như số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ còn rất chậm.

Năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm được đổi mới. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn nước ngầm quá mức gây lãng phí và hủy hoại môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi. Quản lý, khai thác, sử dụng kho số điện thoại, tài nguyên Internet, băng tần, kho biển số xe ô tô, xe máy chưa đạt được hiệu quả đề ra.

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và những nỗ lực của Thường trực và các thành viên của Đoàn giám sát, Tổ giúp việc vừa qua. Tuy nhiên, trước tình trạng chậm gửi báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải có cơ chế, chế tài cần thiết để bảo đảm tính nghiêm túc, lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói: “Mỗi địa phương đều có 3 báo cáo, nhưng chất lượng không đồng đều, có nhiều báo cáo cũng chung chung, giống giống nhau. Đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, người đứng đầu trong triển khai là không rõ”.

Giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý giám sát sâu các dự án trọng điểm thuộc ngành giao thông, dầu khí, điện gió, nhiệt điện sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà không đảm bảo hiệu quả, làm rõ lý do, trách nhiệm. “Đầu tư nhan nhản, nhưng người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu, liệu có giải pháp khắc phục được tình trạng này hay không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói và cũng yêu cầu phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông, dư luận trong quá trình giám sát.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cho rằng nếu chỉ giám sát qua báo cáo thì các nơi phải báo cáo rất hiếm khi nêu hạn chế của chính mình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị có thể mở rộng giám sát thực tế ở nhiều hơn 6 tỉnh, thành mà Đoàn giám sát dự kiến. Trong đó, đặc biệt cần tập trung giám sát trong lĩnh vực đất đai khi thực tế có rất nhiều dự án dang dở nằm phơi mưa phơi nắng, gây ra lãng phí rất lớn. "Ngay tại Hà Nội cũng có những khu đô thị cỏ mọc lút đầu, 10 năm rồi cho một nhà ở, còn đâu bỏ hoang" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Để bảo đảm chất lượng báo cáo giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, giám sát vừa phải toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, càng dàn trải càng không có hiệu quả. Ví dụ như trong THTK, CLP thì hậu quả của lãng phí rất lớn, do đó cần tập trung giám sát vào hành vi lãng phí, vì đôi khi hành vi lãng phí còn gây thiệt hại lớn hơn cả các vụ tham nhũng lớn. Chẳng hạn ở Gia Lai - Đắk Lắk có những công trình thuỷ lợi hơn 3.000 tỷ đồng nhưng làm xong rất lâu rồi vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai, lãng phí nhiều hay ít, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đối với những vụ việc lớn, có địa chỉ, số liệu cụ thể thì Đoàn giám sát cần làm cho rõ để cảnh báo, răn đe; qua giám sát thực tiễn sẽ quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân; tạo hiệu ứng trong xã hội, bảo đảm có nhiều chuyển biến trong thực tiễn.