Triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin chuyên ngành

Để hướng tới xây dựng ngành Tài chính số theo Quyết định số 2366/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã có định hướng và lộ trình cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua các công cụ số hóa.

Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, phù hợp với Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số; xây dựng Chiến lược DTQG đến năm 2030, định hướng đến 2040; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản nội ngành hướng dẫn về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử để triển khai đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống.

Ngành DTNN tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về ứng dụng CNTT trên cơ sở các chính sách, cơ chế về CNTT chung của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin chuyên ngành như: tổ chức triển khai thực hiện Hệ thống quản lý văn bản điều hành từ trung ương tới địa phương; thực hiện nâng cấp Cổng thông tin điện tử trong năm 2021 để hiện thực hóa nhiệm vụ “Thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính”; xây dựng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành quản lý DTNN.

Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu. Triển khai thực hiện dự án xây dựng trung tâm dữ liệu theo định hướng áp dụng công nghệ 4.0 phục vụ triển khai các ứng dụng và phần mềm ứng dụng tập trung.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo quản, xuất cấp hàng dự trữ.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo quản, xuất cấp hàng dự trữ.

Cùng với đó, tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp, chuẩn hóa nghiệp vụ trong công tác ứng dụng CNTT theo các lộ trình rõ ràng cùng với việc quy hoạch lại toàn bộ hệ thống. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ tin học, công chức DTNN có cơ cấu phù hợp, đủ về số lượng và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2022, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục tập trung hoàn thành dự án “mở rộng triển khai hệ thống giám sát tập trung kho hàng dự trữ quốc gia tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN”. Phạm vi triển khai dự án thực hiện tại 146 điểm kho, trong đó có 55 điểm kho trong quy hoạch nằm trong trụ sở các Chi cục DTNN sử dụng chứa hàng dự trữ quốc gia.

Cùng với đó, Tổng cục DTNN chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thành “hệ thống quản lý nghiệp vụ dự trữ quốc gia” để phục vụ có hiệu quả cho các công việc của ngành DTNN và từng bước đưa phần mềm vào vận hành.

Cũng trong năm nay, Tổng cục DTNN báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt danh mục dự toán để thực hiện nhiệm vụ Nâng cấp Cổng thông tin điện tử cũng như kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng cục DTNN.

Nhằm duy trì hoạt động khai thác và hỗ trợ kỹ thuật các hệ thống ứng dụng, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị cập nhật số liệu trên hệ thống các phần mềm: Chương trình quản lý vật tư hàng hóa, kho tàng DTNN; phần mềm kế toán nội bộ; hệ thống thông tin báo cáo dự trữ Nhà nước nước; hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ các đơn vị trong toàn hệ thống.

Đối với công tác kiểm định hàng DTNN, Tổng cục DTNN tiếp tục xây dựng phương án tự chủ tài chính trong 3 năm (2022 - 2024). Đồng thời, tiếp tục thông báo tới các đơn vị trong ngành có nhu cầu kiểm định máy đo độ ẩm hạt, cân bàn, cần đĩa, cân đồng hồ lò xo; nhu cầu kiểm tra chất lượng lương thực nhập kho phục vụ cho công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa trong ngành.

Giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu

Theo Tổng cục DTNN, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ dự trữ quốc gia, thời gian tới, Tổng cục DTNN tập trung tăng cường cải tiến quy trình làm việc, quy trình phối hợp, chuẩn hóa nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Thường xuyên kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành DTNN để có những biện pháp triển khai hiệu quả hơn. Thực hiện thuê ngoài một số dịch vụ, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin.

Triển khai hệ thống giám sát tập trung kho hàng dự trữ quốc gia

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) tiếp tục tập trung hoàn thành dự án “mở rộng triển khai hệ thống giám sát tập trung kho hàng dự trữ quốc gia tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN”. Phạm vi triển khai dự án thực hiện tại 146 điểm kho, trong đó có 55 điểm kho trong quy hoạch nằm trong trụ sở các Chi cục DTNN sử dụng chứa hàng dự trữ quốc gia.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quy định về ứng dụng công nghẹ thông tin trên cơ sở các chính sách về công nghệ thông tin của Nhà nước và của Bộ Tài chính.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật xây dựng hệ thống điện tử kết nối và liên thông từ Trung ương tới địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin gắn chặt với công cuộc cải cách hành chính; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các dữ liệu bảo mật của ngành.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu cơ chế, chính sách sau khi hoàn thành triển khai phần mềm ứng dụng một cách đồng bộ, thống nhất, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý.