Đây là chương trình đào tạo về GSDTRR lần thứ hai trong đợt đào tạo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới và là chương trình thứ ba Ngân hàng Thế giới tổ chức đào tạo cho UBCKNN về nội dung này.

Phát biểu khai mạc, ông Ketut Kusuma đến từ WB cho rằng, đây là một chương trình vô cùng kịp thời và cần thiết trong bối cảnh phức tạp của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. Đặc biệt, với việc Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao và tới năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao, những vấn đề hiện nay cần được khắc phục sớm, đảm bảo tính ổn định, hiệu quả của thị trường nhằm đạt được những mục tiêu trên và WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hành trình này.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức đào tạo về giám sát dựa trên rủi ro
Chương trình đào tạo về Giám sát dựa trên rủi ro theo hình thức trực tuyến. Ảnh: SSC

Ông David Gotliebb - đại diện Đại sứ quán Australia và ông Ged Fitzpatrick - đại diện Ủy ban Chứng khoán Úc, cũng chia sẻ quan điểm này với ông Ketut Kusuma. Hai ông nhận định, việc đảm bảo sự minh bạch và điều tiết thị trường chặt chẽ sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư an toàn hơn cho nhà đầu tư, không chỉ các nhà đầu tư trong nước, mà cả nhà đầu tư nước ngoài.

Hai ông hy vọng rằng, chương trình đào tạo này sẽ là dấu ấn tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan trong công tác giám sát, thanh tra nhằm hạn chế vi phạm trên thị trường, là sự khởi đầu tốt đẹp cho việc triển khai Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Úc, tăng cường hợp tác và đầu tư giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực như: giám sát thị trường vốn, thúc đẩy vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam...

Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCKNN), cho biết chương trình đào tạo lần thứ nhất được thực hiện vào tháng 2/2022 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về việc tìm hiểu sâu hơn về cách thức tính toán trọng số và mức độ rủi ro toàn thị trường; làm thế nào để dần chuyển hướng từ cách thức giám sát hiện nay sang GSDTRR; cách thức giám sát thành viên trong bối cảnh nhiều giải pháp công nghệ mới như fintech đang được các thành viên áp dụng...

Phiên thảo luận của chương trình lần này diễn ra sôi nổi, với nhiều câu hỏi do các học viên đặt ra đối với những chia sẻ của chuyên gia liên quan đến cơ chế phối hợp ba cấp, giữa các công ty chứng khoán, các tổ chức vận hành thị trường và cơ quan quản lý trong việc thực hiện giám sát; cách thức lập các báo cáo đáng ngờ để phục vụ công tác giám sát; trường hợp thực hiện ngắt giao dịch và cách thức theo dõi những thành viên có dấu hiệu tham gia các giao dịch đáng ngờ.

Ông Dũng cho biết thêm, những chia sẻ của các chuyên gia sẽ góp phần không nhỏ cho các cán bộ UBCKNN có thể học hỏi được những kinh nghiệm giám sát thực tiễn, ứng phó tốt hơn trong tương lai với các hình thức vi phạm; đồng thời góp phần ngăn chặn tốt hơn các hình thức vi phạm do nhiều chủ thể giữa các quốc gia gây ra trong tương lai. Những chia sẻ này là vô cùng cần thiết để trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục cải thiện hành lang pháp lý và thực tiễn giám sát, thanh tra thị trường./.