Dội “mưa trừng phạt” có làm Nga suy yếu?

Chỉ trong tuần qua, một loạt động thái của các nước thực hiện trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đặc biệt, trước cột mốc 2 năm ngày nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngày 23/2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dội “mưa trừng phạt” lên nước này.

Xung đột Nga - Ukraine khiến kinh tế toàn cầu phân cực, quy tắc thương mại đa phương bị đe dọa
Nhiều hệ lụy từ chiến sự Nga - Ukraina. Ảnh: TL

Theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo thông báo Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu và cho rằng, động thái này được thực hiện cùng với sự hợp tác của các quốc gia khác, sẽ nhắm vào tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và các công ty ở các nước thứ 3, tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa mà họ muốn. Đây sẽ là lệnh trừng phạt mới nhất trong số hàng ngàn lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow được Mỹ và các đồng minh công bố sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022.

Mỹ cùng với các chính phủ phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chống lại Nga trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều đó chỉ gây ra tác động lên nền kinh tế của Nga mà không ngăn được Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt bên nước láng giềng.

Bên cạnh đó, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga. Theo đó, gói trừng phạt nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và tư pháp. Các biện pháp chống lại những người và tổ chức được liệt kê bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại. EU cũng cấm công dân và công ty của khối này cung cấp tiền cho các đối tượng bị trừng phạt.

Các quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng, các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế, quân sự và năng lượng áp đặt lên Nga kể từ tháng 2/2022 đã gây tổn hại cho nền kinh tế và năng lực sản xuất vũ khí của Nga, đồng thời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho Moscow trong những năm tới.

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, các lệnh trừng phạt của họ đã tước đi doanh thu khoảng 400 tỷ Euro của Nga mà lẽ ra Moscow có thể có được kể từ tháng 2/2022. Vào cuối năm 2023, Bộ Tài chính Mỹ cho biết nền kinh tế Nga giảm 2,1% hồi năm 2022 do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga đã kiếm được 15,6 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 1/2024, trong khi con số này vào mùa hè năm ngoái là 11,8 tỷ USD. Theo dữ liệu chính thức, GDP của Nga tăng 3,6% vào năm 2023, vượt mức trung bình trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chỉ là 1,5%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn dự báo mức tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2024 là 2,6%, so với mức tăng trưởng 3% trong năm 2023. Phần lớn sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga là nhờ việc chính phủ nước này chi tiêu mạnh cho các ngành công nghiệp phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt và các biện pháp kích thích tài chính nhằm xoa dịu người dân trong nước.

Về phía Nga, để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga cũng tuyên bố một số biện pháp đáp trả về kinh tế - tài chính, năng lượng và một số biện pháp khác. Được biết, các tập đoàn phương Tây cũng đã chịu thiệt hại 103 tỷ USD khi rời Nga. Đồng thời, Nga tăng cường thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác, vừa bán được dầu mỏ và khí đốt, vừa đảm bảo nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng.

Kinh tế thế giới tách thành hai khối, gây nhiều hệ lụy

Có thể thấy, sức mạnh kinh tế của Nga khiến nước này khó bị cô lập, bởi thực tế, Nga không chỉ xuất khẩu dầu khí, mà còn xuất khẩu các tài nguyên khác bao gồm urani và titan mà các nền kinh tế phương Tây vốn phụ thuộc vào chúng.

Xung đột Nga - Ukraine khiến kinh tế toàn cầu phân cực, quy tắc thương mại đa phương bị đe dọa
Kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi chiến tranh. Ảnh: TL

Thế nhưng, rõ ràng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga đã và đang tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, từ giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực… cho đến lạm phát, chuỗi cung ứng, thị trường tài chính…

Nhiều chuyên gia đánh giá, cuộc xung đột chính là một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở tiến trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng về giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... mà nhân loại đang phải đối mặt.

Mới đây, tờ US News dẫn thông tin báo chí thế giới cho biết, căng thẳng địa chính trị, các lệnh trừng phạt, hạn chế thương mại… đang tiếp tục làm gia tăng những lo ngại về an ninh kinh tế, dấu hiệu chia rẽ ngày càng nhiều giữa các quốc gia ủng hộ Nga và những quốc gia ủng hộ Ukraine.

Bên cạnh đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, đã thấy những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng phân mảnh trong thương mại toàn cầu và chỉ ra rằng, kể từ cuộc chiến Nga - Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh của hai bên đang ngày một tách rời nhau. Có thể hai bên sẽ tham gia vào một cuộc chiến thương mại lưỡng cực và mỗi khối sẽ đặt ra các quy tắc riêng, bỏ qua các thỏa thuận đa phương.

WTO đã cảnh báo rằng, sự phân chia hoàn toàn thành hai khối đối đầu sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu giảm 5%. Đáng chú ý, theo WTO, các nước đang phát triển phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đồng thời, báo cáo của WTO cho thấy, hoạt động thương mại hàng hóa giữa các khối đã tăng chậm hơn 4% so với thương mại trong nội khối.

Vừa bước ra khỏi bầu không khí u ám của hai năm bị đại dịch Covid-19 hoành hành, thế giới đã phải chịu tác động rất tiêu cực của cuộc xung đột Nga -Ukraine. Kinh tế thế giới bị giáng một đòn chí mạng, lâm vào bất ổn và suy thoái. Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt khiến hàng loạt nước phải chống đỡ bằng cách tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Theo Tạp chí The Fortune (Mỹ, tháng 10-2022), cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 2.800 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bước vào thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933.