noi

Quản lý nợ công nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã trả lời phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề này.

* PV: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, ông có thể cho biết những kết quả đã đạt được theo mục tiêu Nghị quyết 07/NQ-TW đã đề ra?

- Ông Trương Hùng Long: Cho đến thời điểm này, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn cho phép. Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP, nợ Chính phủ ở mức 52,1%. Bước đầu chúng ta đã kiềm chế tốc độ gia tăng quy mô nợ công, từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay.

Bộ Tài chính đã tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công năm 2017, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nợ trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn, tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công; tăng cường công tác quản lý huy động, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện; tăng cường công khai, minh bạch; gắn trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương với trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và trả nợ công...

long
Ông Trương Hùng Long

Một trong những kết quả nổi bật nữa là cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng tập trung huy động tại thị trường trong nước, kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ. Đối với bảo lãnh chính phủ, các quy định siết chặt điều kiện và hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh mới của Chính phủ cho các khoản vay. Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, thực hiện biện pháp giám sát, quản lý sử dụng vốn vay lại và vốn vay có bảo lãnh chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cho ngân sách nhà nước.

Các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng và tổ chức triển khai các công cụ quản lý nợ chủ động, đồng bộ với điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư công.

* PV: Còn việc tái cơ cấu nợ chính phủ đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Trương Hùng Long: Trong giai đoạn 2016 - 2018, cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Huy động vốn vay trong nước trung bình giai đoạn 2016 - 2018 đáp ứng khoảng 76% nhu cầu huy động vốn của Chính phủ. Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40%.

Đối với vốn vay trong nước, việc tập trung huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường TPCP, đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Cơ cấu TPCP có kỳ hạn dài từ 10 - 30 năm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng khối lượng phát hành hàng năm (hết quý III/2018 chiếm 86,4%). Kỳ hạn còn lại danh mục TPCP tăng dần và cao hơn giai đoạn trước, năm 2011 là 3,2 năm, hết quý III/2018 là 6,7 năm. Lãi suất phát hành bình quân giảm dần và thấp hơn giai đoạn trước, năm 2011 là 12%/năm, hết quý III/2018 là 4,5%/năm, góp phần tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước.

Cơ cấu nhà đầu tư tiếp tục được đa dạng hóa, tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể.

Đối với huy động vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ tận dụng vốn vay ODA còn lại trong giai đoạn này, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm. Hạn chế huy động các khoản vay không đủ điều kiện ODA, có lãi suất cao cho cân đối đầu tư công, chỉ huy động cho các chương trình dự án có khả năng hoàn vốn theo cơ chế vay về cho vay lại.

* PV: Thưa ông, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn những tồn tại nào cần khắc phục? Giải pháp nào đã được đưa ra để giải quyết các tồn tại này?

- Ông Trương Hùng Long: Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong các năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Tuy các khoản nợ này không thuộc phạm vi nợ công, song đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả để bảo đảm chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép.

Theo quy định, vốn vay nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do đó, việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả xây dựng, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công. Việc đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, phù hợp với kế hoạch vay nợ công trung hạn, hàng năm và tiến độ thực hiện thực tế của dự án.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nợ cần tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ công thông qua các nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, giãn đỉnh nghĩa vụ nợ tập trung trong một số năm; tăng cường huy động nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu vay của Chính phủ, phát triển thị trường vốn trong nước.

Song song với các giải pháp nói trên, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương.

* PV: Xin cảm ơn ông

Trung Kiên (thực hiện)