dlg

Bến xe Đức Long - Gia Lai, một trong nhiều dự án của DLG. Ảnh minh họa.

Phóng viên TBTCO đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Pháp - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) DLG, để làm rõ hơn những định hướng, chiến lược phát triển của công ty trong giai đoạn này.

PV: Thưa ông, tình hình dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của DLG?

- Ông Bùi Pháp: Năm 2020 tiếp tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Đối với Tập đoàn DLG, không nằm ngoài quỹ đạo chung, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh đã làm cho hoạt động như khách sạn, bến xe, thu phí BOT, nông nghiệp, thủy điện, sản xuất điện tử, linh kiện điện tử… của công ty bị giảm sút doanh thu và lợi nhuận...

Tập đoàn DLG sẽ cấu trúc toàn diện theo ba lĩnh vực, ngành nghề để hướng tới tăng trưởng bền vững gồm: Sản xuất kinh doanh điện tử, năng lượng, cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp.

bui phap

Ông Bùi Pháp

Trong bối cảnh đó, HĐQT DLG đã luôn theo sát sao diễn biến của dịch bệnh và các chính sách của Chính phủ, chủ động dự báo, nhận định tình hình, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, kiên định với định hướng chiến lược: Một mặt, tiếp tục đầu tư có chiều sâu vào một số ngành nghề truyền thống; mặt khác, tập trung đầu tư vào những dự án, ngành nghề chiến lược thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn.

Nhờ vậy, dù kết quả SXKD năm 2020 dự kiến sẽ không đạt kế hoạch, nhưng với những gì đã làm được thì có thể xem đây là thành công của DLG trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động phức tạp.

PV: Vậy HĐQT công ty có chiến lược, kế hoạch gì để cải thiện tình hình, thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận?

- Ông Bùi Pháp: Đại hội cố đông thường niên DLG năm 2020 đã đề ra chiến lược cấu trúc toàn diện DLG để tạo đà tăng trưởng bền vững, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế, đã được Chính phủ, các bộ ngành trung ương, các tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến tới thoái vốn các lĩnh vực, ngành nghề đầu tư không mang lại hiệu quả nhằm giảm nợ tại các tổ chức tín dụng và giảm chi phí tài chính cho DN.

Chiến lược phát triển của DLG trong giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) và có tính đến năm 2030 sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: sản xuất kinh doanh điện từ và linh kiện điện tử; năng lượng (thủy điện, điện gió và điện mặt trời); cơ sở hạ tầng thu phí và khu công nghiệp.

PV: Thời gian gần đây, có một số thông tin không tốt về hoạt động của công ty. Xin ông cho biết có phải công ty đang khó khăn và đang bán tài sản để trả nợ hay không? Ông sẽ làm gì để trấn an cổ đông, lấy lại niềm tin của họ với hoạt động của công ty?

- Ông Bùi Pháp: Việc cấu trúc toàn diện DLG là nhằm ổn định SXKD, tài chính lành mạnh, phát triển bền vững. Việc thoái vốn các dự án, tài sản không mang lại hiệu quả là nhằm thu hồi vốn, giảm nợ ngân hàng, giảm chi phí tài chính, tập trung các lĩnh vực chiến lược, tạo đà tăng trưởng bền vững cho các năm tiếp theo.

Thời gian vừa qua, có một số báo điện tử và mạng xã hội đưa những thông tin phản ảnh không chính xác, không đúng thực tế về hoạt động của DLG. Trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay, Đảng và Nhà nước đang có nhiều chính sách, cơ chế và các biện pháp tích cực hỗ trợ, giúp DN vượt qua khó khăn, thách thức. Tôi mong rằng, các báo sẽ theo sát diễn biến hoạt động DN, cùng đồng hành, chia sẻ với DN, giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, tránh đưa những thông tin gây hoang mang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động DN.

Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ với các cổ đông, đối tác, nhà đầu tư và khách hàng an tâm, giữ vững niềm tin vào chiến lược và kế hoạch của HĐQT DLG, tiếp tục đồng hành trên bước đường phát triển hiện tại và lâu dài của DLG./.

PV: Xin cám ơn ông!

Châu Đỗ