lũ lụt

Muôn tấm lòng hướng về miền Trung mỗi dịp bão lũ hoành hành. Ảnh: TL.

Bổ sung tiếp nhận hỗ trợ đối với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm 2 chính sách gồm: cá nhân tham gia vận động từ thiện và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là 2 chính sách mới mà nghị định quy định về vấn đề này hiện nay chưa điều chỉnh.

Về cá nhân khi vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước thì thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động... Đồng thời, khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Ngoài ra, tại dự thảo nghị định mới này đã bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động trợ giúp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo từng trường hợp cụ thể. Quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là các cơ quan thông tin đại chúng được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo.

Kinh phí thực hiện nhiệm vụ này đối với tổ chức đó là sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát sinh chi phí lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị thì báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Dự thảo nghị định nêu rõ: không sử dụng nguồn tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện tiếp nhận được để chi trả các khoản chi phát sinh của cơ quan, đơn vị trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

Theo dự thảo nghị định, dự án đầu tư sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu từ nguồn đóng góp tự nguyện hoặc kết hợp với nguồn vốn đầu tư công, được quản lý theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền đóng góp có trách nhiệm phản ánh việc tiếp nhận, phân phối vào báo cáo tài chính của cơ quan, đơn vị theo quy định hiện hành. Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang trực tiếp sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho chính cơ quan, đơn vị đó thì báo cáo cấp có thẩm quyền để bổ sung dự toán và tổng hợp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…

Vẫn cần các cá nhân kêu gọi để công tác từ thiện đạt hiệu quả cao

Ngoài các quy định nêu trên, dự thảo nghị định quy định rõ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc vận động ủng hộ từ thiện; những hành vi bị cấm và việc giám sát của các cơ quan có thẩm quyền của dư luận đối với cả các tổ chức và cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ này.

Việc ủng hộ người nghèo, vùng lũ lụt... là nhu cầu cấp thiết của xã hội cần được khuyến khích. Đây cũng là tinh thần nhân văn có từ bao đời của dân tộc Việt Nam, “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”.

Tuy nhiên, tại nghị định hiện hành quy định chưa bao quát được nhiều vấn đề nên trong thực tế còn xảy ra những tranh cãi đáng tiếc, cũng như việc nghi ngờ những người đứng ra vận động từ thiện không công khai, minh bạch trong chi tiêu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, do chưa được quy định rõ ràng, chế tài đầy đủ nên thời gian qua nhiều vụ việc nghệ sĩ huy động từ thiện đã không thực hiện theo như cam kết. Những nguyên tắc trong chi tiêu, quản lý tài chính của những người đi vận động từ thiện cũng “có vấn đề”, không theo quy định cho nên dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch của nó, khiến dư luận bức xúc.

Nghị định hiện nay không đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội cho nên cần thiết Chính phủ nhanh chóng ban hành nghị định mới, để quản lý hiệu quả nguồn vốn này, nhất là mùa lũ lụt lại đang cận kề, dịch bệnh đang hoành hành, người dân rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Có ý kiến cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích động viên, tôn vinh cá nhân, tập thể tham gia cứu trợ đồng bào khi có thiên tai, thảm họa. Tuy nhiên, cơ quan được ra lời kêu gọi hỗ trợ bị giới hạn bởi các tổ chức như Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các cơ quan báo chí truyền thông. Do đó, việc ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP phải hướng tới xã hội hóa công tác cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.

Công tác nhân đạo, từ thiện nên khuyến khích mọi người tham gia nhưng nên giao cho các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ có trách nhiệm điều phối, giám sát, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân điển hình trong công tác thiện nguyện. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đứng ra kêu gọi nên hưởng ứng lời kêu gọi của một tổ chức chính thống, nguồn lực huy động được cần phối hợp triển khai.

Trên thực tế, các cá nhân huy động nguồn lực xã hội rất nhanh cho cứu trợ vì vậy nên khuyến khích họ làm thiện nguyện trên tinh thần phối hợp với các tổ chức được Nhà nước giao, có như vậy cả nhà nước và tư nhân cùng chung tay trong công tác thiện nguyện này, vừa đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Sau 30 ngày phải báo cáo các cấp về số tiền thu, chi

Chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc cuộc vận động, Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối cấp tỉnh, báo cáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp, lập báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, về số tiền, hiện vật đã huy động được và số tiền, hiện vật đã chi cho từng nội dung; số tiền, hiện vật còn dư (nếu có). Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối cấp tỉnh quy định thời gian báo cáo đối với cấp huyện và cấp xã.

Minh Anh