250 thủ tục đã kết nối NSW

Theo thống kê mới nhất, Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đã tích hợp được 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, xử lý khoảng 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

ASW cũng được duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tổng cục Hải quan phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) theo lộ trình chung của ASEAN. Đồng thời, đang tiến hành kiểm thử C/O form D common header trên môi trường thử nghiệm với các nước khối ASEAN; đang chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật; trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Mới đây, cơ quan hải quan đã hoàn thành trao đổi thông tin tờ khai hải quan thử nghiệm qua kênh kết nối bảo mật với Liên minh Kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand.

Công chức hải quan xử lý các thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Hồng Vân
Công chức hải quan xử lý các thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Hồng Vân

Tính đường dài, ngành Hải quan đang tập trung xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung nhằm xây dựng mô hình kiến trúc tổng thể, áp dụng thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 và kế thừa các kết quả của những hệ thống đã được đầu tư đạt hiệu quả nhất. Hiện nay, đề án đang được khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đây là cơ sở pháp lý và nền tảng quan trọng nhằm tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua NSW trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Đề án cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của NSW, ASW – mô hình luôn nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trong, ngoài nước, đem lại hiệu quả thiết thực cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, người dân thời gian qua.

Sẽ hoàn thiện xây dựng Đề án tổng thể

Đánh giá về việc triển khai NSW, ASW thời gian qua, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, qua nhiều lần khảo sát, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử trong báo cáo mới nhất vừa được công bố tháng 11/2022, trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu có phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các doanh nghiệp cho biết, Cổng thông tin NSW được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên NSW thuận lợi hơn. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua NSW đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) cũng giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống. 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua NSW so với khi tiến hành thủ tục với phương thức truyền thống. Chi phí giảm đi dao động từ 148.000 đồng đến 3.845.000 đồng. Trong đó, thủ tục giảm chi phí nhiều nhất là thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế, đã giảm 3.845.000 đồng.

Theo ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện NSW. Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức, phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng NSW nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này. Cùng với đó, sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai đề án, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tới đây, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho hoạt động của NSW và ASW, mà cụ thể là trình các cấp ban hành Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo NSW.

Đồng thời, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai NSW, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023 - 2026 làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng

Việc triển khai NSW đem lại những thay đổi tích cực về thời gian thực hiện thủ tục hành chính, song, sự thay đổi này còn chênh lệch giữa các thủ tục. Điều này khiến cho kỳ vọng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp chưa tạo được đột phá.

Một kết quả khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhận định, 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm thời gian khi làm thủ tục qua NSW so với khi tiến hành thủ tục theo phương thức nộp hồ sơ truyền thống. Số giờ giảm đi từ 5 giờ cho đến 25 giờ. Trong đó, giảm thời gian nhiều nhất là thủ tục “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giảm 25 giờ.

Tỷ lệ giảm thời gian thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia so với phương thức truyền thống, với 10/12 thủ tục giảm thời gian từ 26% - 54%. Trong đó, đáng chú ý, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu/xuất khẩu tiền chất công nghiệp là thủ tục duy nhất giảm hơn một nửa thời gian thực hiện.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đánh giá thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong khảo sát 2022 phần lớn khó khăn hơn so với khảo sát 2019 với 10/12 thủ tục được khảo sát.

Các thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đáng kể là “Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế”, thủ tục “Cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế với mức tăng lần lượt là 21% và 20%.

Có 2 thủ tục làm tăng chi phí khi thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là thủ tục “Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dụng” của Bộ Giao thông vận tải và thủ tục “Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể, chi phí thực hiện hai thủ tục này qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tăng hơn so với phương thức truyền thống lần lượt là 408.000 đồng và 93.000 đồng.

Có thể nói, về tổng thể chung việc cải cách của các ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua thực hiện NSW, ASW. Có điều, so với yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan, việc thực hiện thực tế vẫn còn khoảng cách mới đạt được.

Từ kết quả khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp thể hiện mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại hơn nữa. Doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và tích hợp các thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để giảm thiểu chi phí, thời gian của doanh nghiệp, trên cơ sở số hóa bộ thủ tục, quy trình xử lý thủ tục hành chính.