Cụ thể, tại ô số (15) và ô số (16) trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu, ô số (18) và ô số (19) trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu doanh nghiệp khai tên hàng đại diện cho lô hàng và mã số hàng hóa (mã HS) của hàng hóa đó.
Chỉ tiêu thông tin mã loại hình (ô số 5) trên tờ khai giấy xuất khẩu, nhập khẩu khai mã loại hình H11 (đối với hàng nhập khẩu), H21 (đối với hàng xuất khẩu).
Số niêm phong hải quan (số 3) tại Biểu mẫu phụ lục II kèm Công văn 6110/TCHQ-GSQL nếu người khai hải quan có thông tin thì khai, trường hợp không có thông tin thì không phải khai chỉ tiêu thông tin này.
Về biểu mẫu phụ lục III tại Công văn số 6110/TCHQ-GSQL ngày 24/11/2023 của Tổng cục Hải quan, bổ sung một mục dành cho lãnh đạo chi cục hải quan ký, đóng dấu công chức; mục số (7) sửa thành đại diện người khai hải quan (ký, ghi rõ họ và tên).
Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được được phản ánh của một số doanh nghiệp liên quan đến hoạt động của hệ thống VNACCS/VCIS, gây ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.
Qua kiểm tra hệ thống, Tổng cục Hải quan xác định nguyên nhân chính khiến cho hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải tại nhiều thời điểm là do số lượng tờ khai trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến hệ thống tăng mạnh.
Để xử lý vấn đề này, ngày 24/11, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhóm 2 gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.
Theo đó, đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường không, đường biển, cục hải quan tỉnh thành phố và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS theo quy định hiện hành.
Đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế vận chuyển qua đường bộ, doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan giấy theo quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 2 Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019.
Quá trình triển khai, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục xử lý những vướng mắc phát sinh xung quanh vấn đề này.