Sau Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng nhất đã các ĐB thông qua trong kỳ họp này. Trước đó, với tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt xã hội, dự thảo Luật Đất đai đã được đưa ra thảo luận, xem xét trong tới 3 kỳ họp, đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tiếp nhận gần 7 triệu lượt ý kiến góp ý. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thống nhất lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Đất đai để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định về đất đai trong Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐB về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy định rõ các trường hợp thu hồi đất

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 có 14 chương, 212 điều. Tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội về thu hồi đất cho phát triển kinh tế xã hội tại điều 62, để tránh tùy tiện thu hồi đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ 3 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đó là thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Hạn chế "xin-cho" trong sử dụng đất
Các đại biểu ấn nút biểu quyết về Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh như xây dựng trụ sở làm việc; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, nhà nghỉ dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra, bổ sung quy định về bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo trong nhóm các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước vì đây là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân.

Hạn chế "xin-cho" trong sử dụng đất

Về vấn đề khung giá đất, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan. Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, dự thảo bỏ quy định Phòng Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền ký cấp giấy chứng nhận do nhiều nơi năng lực còn hạn chế. Đồng thời chỉnh lý khoản 1, điều 105, giao “UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Ngoài ra, trong dự thảo, các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường, cụ thể: Đã hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai khắc phục tình trạng "xin - cho" trong sử dụng đất.

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc với các nội dung: thông qua Nghị quyết về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012; thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn./.

Hoàng Yến