Kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ, ngân hàng và doanh nghiệp đều
Tăng cường tính minh bạch cho hệ thống ngân hàng, hướng đến một hệ thống hoạt động an toàn, chuyên nghiệp. Ảnh tư liệu

Giải tỏa áp lực

Thông tư 06/2024/TT-NHNN (Thông tư 06) là văn bản sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Thông tư 02 quy định, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, Thông tư 06 sửa đổi khoản 2 Điều 4 của Thông tư 02 như sau: “Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024”; sửa đổi khoản 8 Điều 4 Thông tư 02 như sau: “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại thông tư này được thực hiện kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024”. Với các quy định này, thời gian giãn, hoãn nợ được gia hạn thêm 6 tháng so với quy định tại Thông tư 02.

Trước đó, Thông tư 02 được ban hành từ tháng 4/2023 quy định về việc ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Tại thời điểm NHNN ban hành Thông tư 02, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cho phép giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02 đã giải tỏa đáng kể áp lực cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Theo đó, giải pháp này cũng tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại, việc giãn, hoãn nợ tiếp tục được kéo dài hơn tiếp tục kỳ vọng giúp doanh nghiệp có thời gian cơ cấu hoạt động kinh doanh phục hồi sản xuất. Trong khi đó, ngân hàng cũng giảm bớt áp lực thu nợ cũng như áp lực xử lý nợ xấu nếu thời gian giãn, hoãn nợ không được kéo dài.

Cần thêm các giải pháp đồng bộ có tính lâu dài

Tại thời điểm NHNN ban hành Thông tư 02, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc này sẽ giúp cho nền kinh tế bớt khó khăn hơn, doanh nghiệp và ngân hàng không bị chuyển nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, thị trường cũng chưa nên kỳ vọng việc này có thể tạo cú kích thích mạnh vì nền kinh tế sẽ phải có thời gian dần dần phục hồi và đi vào ổn định.

Ngoài ra, câu chuyện của việc thực hiện các giải pháp giãn, hoãn nợ cũng được giới chuyên môn trao đổi nhiều và từng có nhiều ý kiến về việc cân nhắc trong việc lạm dụng giải pháp này. Bởi lẽ, thực chất việc cho phép thực hiện giãn, hoãn nợ sẽ làm “ẩn” đi những khoản nợ lẽ ra đã phải chuyển nhóm thành nợ xấu và giải pháp chỉ có thể có tác dụng nếu đi kèm theo các giải pháp đồng bộ khác. Ngay cả từ phía NHNN cũng có quan điểm rất thận trọng khi sử dụng giải pháp này. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, việc thực hiện Thông tư 02 đã có tác dụng hỗ trợ rất tốt đối với doanh nghiệp, nhưng cũng cần có sự tính toán cân nhắc cẩn thận để đảm bảo các mục tiêu.

Về các giải pháp đồng bộ lâu dài trong việc xử lý nợ của các ngân hàng, một số chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục có sự tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc xây dựng được các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống với công nghệ tiên tiến. Trong đó, việc các ngân hàng trong nước hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để nhận chuyển giao công nghệ sẽ là một giải pháp tối ưu về mặt chi phí lẫn thời gian.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, chúng ta cũng nên tăng cường tính minh bạch cho hệ thống ngân hàng, hướng đến một hệ thống hoạt động an toàn, chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Điều đó sẽ giúp hệ thống ngân hàng tăng cường tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động, góp phần trở thành một trung gian huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam cũng như hỗ trợ cho việc thực thi các chính sách tiền tệ hướng tới các mục tiêu vĩ mô trong dài hạn.q

Kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ, ngân hàng và doanh nghiệp đều "dễ thở"

ÔNG NGUYỄN QUỐC HÙNG - TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI NGÂN HÀNG VIỆT NAM: Chính sách hỗ trợ nới lỏng là hợp lý, nhưng không thể đặt tất cả kỳ vọng vào việc này

Việc NHNN giữ vững quan điểm không hạ chuẩn tín dụng là chính xác, đồng thời đã ban hành các chính sách tôi cho là “giải pháp không bình thường” trong bối cảnh doanh nghiệp hết sức khó khăn (hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại) đó là các thông tư: Thông tư 02, Thông tư 03/2023/TT-NHNN, Thông tư 06/2023/TT-NHNN,… Tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn cho rằng, chính sách đó cần phải nới lỏng hơn nữa.

Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao. Vì vậy, nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Riêng với Thông tư 02, tôi đồng tình với quan điểm kéo dài Thông tư 02 thêm một thời gian, qua đó nhiều doanh nghiệp có khả năng phục hồi có cơ hội để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chỉ có vậy thì chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ, ngân hàng và doanh nghiệp đều "dễ thở"

BÀ HÀ THU GIANG - VỤ TRƯỞNG VỤ TÍN DỤNG CÁC NGÀNH KINH TẾ (NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC): Giãn, hoãn nợ nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng

Theo quy định tại Thông tư 02, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như: doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Mục đích của chính sách này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024, đồng thời phải xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.