Tăng cường cải cách giúp kiểm soát tốt các nguồn chi

Báo cáo kết quả công tác năm 2022, ông Lê Văn Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, bám sát nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị SDNS, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao.

Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2022
Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc KBNN phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H.T

Tính đến hết ngày 20/12/2022, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 895.195 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng. Đối với dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN, đã bao gồm cải cách tiền lương, tinh giảm biên chế và dự toán từ năm trước chuyển sang là 1.112.194 tỷ đồng).

Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, hệ thống KBNN đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.

Trong chi đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 403.160,6 tỷ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (kế hoạch là 593.708 tỷ đồng), bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2022 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (661.477,8 tỷ đồng).

Ông Lê Văn Khoa cũng thông tin thêm, thời gian qua, hệ thống KBNN tiếp tục duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 của KBNN; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với KBNN 24/7, số lượng chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.

“Việc áp dụng DVCTT đã giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Đặc biệt, DVCTT cũng thể hiện rõ nét và hiệu quả, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng, đã trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN với các đơn vị SDNS” – ông Khoa khẳng định.

Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2022
Ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi KBNN, giải đáp các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: H.T

Chia sẻ cụ thể hơn về công tác kiểm soát chi, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, thời gian qua KBNN đã không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện cho các đơn vị SDNS, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Đáng chú ý, trong năm qua KBNN cũng đã thực hiện từ chối thanh toán 934 món tương ứng với hơn 60 tỷ đồng. Đây đều là những khoản thực hiện sai quy định về hồ sơ, tạm ứng, sử dụng nguồn vốn sai mục đích” – ông Hà cho biết.

Huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, đúng quy định

Chia sẻ tại buổi họp báo về công tác huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) và quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), ông Lưu Hoàng – Cục trưởng Cục Quản lý NQNN KBNN cho biết, năm 2022, thị trường tài chính – tiền tệ trên thế giới và trong nước biến động mạnh. Lạm phát gia tăng tại các nước trên thế giới và đạt ngưỡng cao kỷ lục trong nhiều năm; ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát; lợi suất TPCP các nước tăng mạnh...

Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2022
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: H.T

Trong nước, đi ngược với bối cảnh kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán lao dốc, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) căng thẳng. Theo đó, thị trường TPCP trong nước bị tác động mạnh; mặt bằng lãi suất TPCP tăng….

Thông qua công tác kiểm soát chi đầu tư, hệ thống KBNN đã phát hiện 90.932 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương với 60,1 tỷ đồng.

Trước bối cảnh đó, KBNN đã phát hành TPCP với khối lượng đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, phù hợp với khả năng thu của ngân sách trung ương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, duy trì hoạt động của thị trường TPCP; tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên nhằm tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, góp phần bảo đảm an toàn, bền vững nợ công.

Đến hết ngày 20/12/2022, tổng khối lượng TPCP phát hành là 203.222 tỷ đồng, chủ yếu đáp ứng nhu cầu chi trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương (lũy kế chi trả nợ gốc của ngân sách trung ương đến hết ngày 20/12/2022 là 166.516 tỷ đồng); kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất phát hành bình quân 3,41%/năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP 9,09 năm, phù hợp với các mục tiêu đã đề ra của Quốc hội và Chính phủ. Hoạt động thị trường TPCP được duy trì thường xuyên, đảm bảo khả năng huy động vốn của ngân sách trung ương và làm tham chiếu cho thị trường vốn.

Đặc biệt, ông Hoàng nhấn mạnh, NQNN tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng cho ngân sách trung ương vay, từ đó, giảm chi phí vay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nguồn NQNN nhàn rỗi còn lại (sau khi đã được sử dụng để cho ngân sách trung ương vay) được sử dụng để gửi có kỳ hạn tại các NHTM (hoạt động an toàn theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước) và mua bán lại TPCP với kỳ hạn ngắn 1 – 3 tháng (trong đó, chủ yếu là kỳ hạn 1 tháng) thông qua phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất theo quy định của pháp luật, phù hợp với thông lệ tốt trên thế giới và khuyến nghị của các chuyên gia Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới. Việc đầu tư NQNN ngắn hạn trên thị trường tiền tệ qua các hình thức nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tăng thêm nguồn thu cho NSNN từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Tính đến hết năm 2022, tổng số tiền nộp vào NSNN từ nguồn thu nghiệp vụ của KBNN dự kiến gần 15.700 tỷ đồng.

Phát biểu kết thúc buổi họp báo, bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, với những kết quả đã đạt được trong năm 2022, hệ thống KBNN đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn có nhiều diễn biến khó lường, nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống KBNN trong năm 2023 và các năm tiếp theo là hết sức nặng nề.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương..., đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống KBNN với truyền thống đoàn kết, tinh thần đổi mới và sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách trong năm 2023.