Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Những lợi ích thiết thực

Lợi ích lớn nhất, dễ nhận thấy nhất khi mỗi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác là đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thuận tiện, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển phát triển.

Thêm vào đó, được biết Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã chỉ đạo tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án BOT trên hai tuyến huyết mạch này. Theo đó: quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, chi phí giảm khoảng 20%; còn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đoạn PleiKu - Cầu 110 (Gia Lai), lợi ích mang lại khoảng 244 tỷ đồng/năm. Đoạn qua tỉnh Đăk Nông đem lại lợi ích khoảng 104 tỷ đồng/năm...

Còn về mặt tổng quan, các tuyến đường được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới đã rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện. Ngoài ra, chưa kể đến các lợi ích không định lượng được bằng tiền, như giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, rút ngắn thời gian đi lại.

Thêm vào đó, việc đẩy nhanh tiến độ thì những rủi ro trong quá trình thi công cũng sẽ giảm thiểu, chi phí đảm bảo an toàn giao thông cũng giảm, rủi ro bất khả kháng về thời tiết dẫn đến chi phí phát sinh cũng sẽ giảm đi...

Và quan trọng nhất là khoản tiết kiệm không hề nhỏ khi vượt tiến độ 1 năm của Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng, còn Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là 1,5 năm với tổng mức đầu tư là 14.076 tỷ đồng. Trong khi mức trượt giá từ 6 - 8%/năm.

Nâng thời hạn bảo hành

Bộ GTVT cũng cho biết, mặc dù đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn luôn xác định phải đảm bảo chất lượng công trình. Vì vậy, Bộ GTVT đã ban hành quy định kiểm soát chất lượng vật liệu đầu vào, kiểm soát quy trình thi công; quy định nâng cao thời hạn bảo hành công trình các công trình đường bộ từ 2 lên 4 năm. Tuy nhiên, tại một số dự án của Quốc lộ 1 vẫn còn xảy ra hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường khi gặp thời tiết nắng nóng bất thường và kéo dài…

Theo Bộ BGVT, tổng diện tích bị hằn lún vẫn còn khoảng 3,94% tổng diện tích mặt đường phần xe chạy, đã giảm so với trước năm 2014 là từ 8 – 10%.

Trên thực tế, đây chỉ là những khiếm khuyết nhỏ của cả “siêu dự án” và chi phí phải bỏ ra để khắc phục cũng thấp hơn nhiều so với lợi ích thiết thực đem lại. Nếu lấy tỷ lệ bị hằn lún ở mức cao nhất là 10% so với tổng số chiều dài của “siêu dự án” mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ là khoảng 1.700 km thì số km bị hằn lún phải khắc phục là khoảng hơn 100 km.

Trong đó, 1 km đường bị bóc tốn 3 tỷ đồng tiền vật liệu, còn nếu tính cả công cào bới, thảm lại thì lên đến hơn 4 tỷ đồng. Tổng kinh phí khắc phục cho hơn 100 km là hơn 400 tỷ đồng. Đây là một số tiền nhỏ so với những lợi ích hữu hình lẫn vô hình nhờ rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, để tiếp tục tạo niềm tin trong dư luận, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT vẫn sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Hiện nay Bộ GTVT đã có quy định nâng mức bảo hành công trình giao thông lên từ 4 đến 5 năm, những nhà thầu nào cố tình thi công không đảm bảo chất lượng gây hư hỏng sẽ phải chịu toàn bộ kinh phí sửa chữa trong thời gian bảo hành. Điều này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.

Tuấn Việt