![]() |
Trên Đường Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa một bên là ý chí và phẩm giá của dân tộc Việt Nam với một bên là các thế lực bạo tàn âm mưu chia cắt đất nước lâu dài. Trong thắng lợi hoàn toàn của dân tộc chiến đấu và chiến thắng, Đường Hồ Chí Minh đã góp phần vô cùng quan trọng. Đường Hồ Chí Minh hôm nay là con đường đi tới phát triển, phồn vinh, hạnh phúc. |
Đánh giặc mà đi - Mở đường mà tiến
![]() |
Đến năm 1959, hy vọng về một cuộc tổng tuyển cử thống nhất hai miền đất nước trong hòa bình đã dần dần mất đi vì những hành động hiếu chiến trắng trợn và tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định Geneva. Dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách phải đối đầu với lực lượng xâm lược có tiềm lực mạnh nhất trên thế giới để bảo vệ những giá trị độc lập dân tộc của mình.
Lịch sử đặt ra yêu cầu có một đường lối chiến lược đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Cả miền Nam lúc đó là một nhà tù lớn với dây thép gai, với luật 10/59, với máy chém được lê đi khắp nơi. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (tháng 1/1959) đã tháo gỡ những đau thương, bức xúc dồn nén ở miền Nam. Lực lượng cách mạng ở miền Nam đang cần sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc để chống lại kẻ thù hung hãn được trang bị tối tân. Khởi thủy của tuyến đường vận tải chiến lược được bắt đầu trong bối cảnh như thế.
Ngày 5/5/1959, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ, đặt tên bí mật là Đoàn 559. Bắt đầu chỉ là một đơn vị đặc biệt gồm 440 chiến sĩ làm nhiệm vụ tìm đường, mở tuyến. Hàng gùi trên vai, hành quân bí mật, tránh địch và tránh cả dân. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng”, vượt qua sự kiểm soát của địch, vượt qua suối sâu, núi cao, sốt rét và thú dữ, sau vài tháng gian khổ, hàng đã được tập kết ở miền Tây A Lưới chi viện cho Liên khu 5.
“Luật lái xe Trường Sơn”Trên những đoạn đường Trường Sơn huyền thoại, “luật” là ưu tiên cho xe đi vào. Vì xe đi vào chở nặng, xe đi ra chở nhẹ, bất cứ xe nào từ Bắc vào đều được ưu tiên đi sát “ta luy dương”, bên vách núi. Những xe đi ra đi phía “ta luy âm”, mép đường, bất kể là bên trái hay bên phải. Đó là thứ luật bất thành văn trên đường Trường Sơn. Trong cuộc chiến đấu kiên cường bền bỉ suốt 16 năm, trên các tuyến đường, gần hai vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, hơn ba vạn người khác đã bị thương để làm nên chiến thắng. Chúng ta tưởng nhớ đến họ với tấm lòng biết ơn thành kính. Đường Hồ Chí Minh mãi mãi là biểu tượng của ý chí, sức mạnh, trí tuệ và lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam. (Nguồn: Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh - Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 103). |
Từ ngày khởi đầu gian nan đó, trải qua gần 6.000 ngày chiến đấu và xây dựng không ngừng nghỉ, mạng đường vận tải chiến lược dọc Trường Sơn đã không ngừng vươn xa, mở rộng và đã trở thành kỳ tích của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX. Tuyến đường huyền thoại đó được mang tên Đường Hồ Chí Minh.
Địch chiếm ưu thế về binh lực, hỏa lực, phương tiện kỹ thuật, sức cơ động, có hệ thống căn cứ xuất phát tiến công trên khắp chiến trường miền Nam và cả ở Lào, Thái Lan. Tất cả các quân/binh chủng của địch kể cả các tàu chiến của hạm đội 7 Mỹ đã tham gia đánh phá tuyến đường này bằng mọi chiến thuật, bằng nhiều lực lượng, nhiều loại vũ khí. Hàng rào điện tử đã được lập, 5 chiến dịch lớn, hàng nghìn cuộc hành quân biệt kích đã được tổ chức, hàng chục vạn cuộc đánh phá của không quân với hàng chục triệu quả bom, mìn cùng hàng trăm tấn chất độc hóa học làm trụi lá cây để bóp nghẹt, ngăn chặn, hòng cắt đứt mạch máu chi viện chiến lược từ miền Bắc.
Trường Sơn là nơi thử thách ý chí, trí tuệ và tình cảm của nhiều lớp thế hệ trẻ Việt Nam. Với ý chí Không có gì quý hơn độc lập tự do, bộ đội Trường Sơn đã viết nên truyền thống vẻ vang Đánh giặc mà đi - Mở đường mà tiến. Bao lớp chiến sĩ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Chống lại đủ các loại máy bay, biệt kích, bom, mìn, các loại thiết bị trinh sát điện tử còn có cả tiếng cười lạc quan chiến thắng của những người chiến sĩ trẻ quyết tâm bám đường, mở đường và giữ vững sự sống của con đường.
Con đường nối mạch nguồn kinh tế
Chiến tranh đã lùi xa, Đường Hồ Chí Minh qua 11 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Phước đã được đầu tư nâng cấp khang trang, trở thành một trong 4 con đường chiến lược xuyên Việt. Với những giá trị lịch sử đặc biệt, với quy mô và phạm vi rộng lớn, con đường huyền thoại này đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Đến nay đã xác định toàn tuyến có tới 37 di tích tiêu biểu trên khắp các tỉnh nó đi qua. Bên cạnh ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Trường Sơn hào hùng với khách tham quan và các thế hệ mai sau, các địa điểm di tích này còn mang tiềm năng phát triển các loại hình du lịch đa dạng: du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm… để cả dải đường chiến trường ác liệt xưa khởi sắc phát triển.
Con đường xưa nối liền mạch máu chi viện cho các chiến trường. Con đường nay nối các trung tâm kinh tế, nối các vùng cà phê, cao su, hạt tiêu với thế giới, nối các buôn làng Tây Nguyên với các vùng khác để cùng nhau phát triển. Cùng với tuyến đường bộ nay còn có tuyến đường điện huyết mạch 500 KV Bắc - Nam cùng chạy dọc Trường Sơn, hợp nhất hệ thống điện và bảo đảm an ninh năng lượng điện ở tầm cấp quốc gia, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cùng cả đất nước.
Đường Hồ Chí Minh huyền thoại là con đường đi tới tương lai.
GẦN 1,4 TRIỆU TẤN HÀNG ĐÃ ĐI QUA ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH Từ lối mòn giao liên với gùi hàng bằng sức người, Đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành hệ thống vận tải chiến lược với: 5 tuyến dọc (6.800 km); 21 tuyến ngang (5.000 km); hơn 5.000 km đường vòng tránh; gần 3.000 km đường giao liên (đường đi bộ); 1.445 km đường ống dẫn xăng dầu; 600 km đường sông; 1.350 km đường dây thông tin tải ba và hàng vạn km đường dây thông tin dã chiến. Hệ thống Đường Hồ Chí Minh đã chịu trên 4 triệu tấn bom (khoảng 7,5 triệu quả bom) và hàng triệu quả mìn. Trong 16 năm, gần 1,4 triệu tấn hàng, hàng triệu m3 xăng dầu, hơn 1,5 triệu lượt người đã đi qua Đường Hồ Chí Minh. Dưới các cánh rừng Trường Sơn, dọc theo các cung đường, vươn theo các hướng chiến dịch, tuyến vận tải chiến lược trở thành chỗ đứng chân, là bàn đạp tấn công của các sư đoàn chủ lực. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hệ thống kho, trạm của Đường Hồ Chí Minh đã bảo đảm sẵn sàng cung cấp 240.000 tấn trong số 255.000 tấn vật chất chuẩn bị trước chiến dịch. (Nguồn: Ban tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975 Thắng lợi và bài học - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000; Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh - Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008). |