luat canh tranh

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh tại Hội thảo phổ biến Luật Cạnh tranh 2018, do cục này tổ chức ngày 13/9.

Tổ chức lại cơ quan quản lý cạnh tranh

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Cạnh tranh 2018 có rất nhiều điểm mới, tiến bộ so với Luật Cạnh tranh năm 2004 năm 2014, bởi được xây dựng dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là luật mới này chú trọng vào việc tăng cường hiệu quả thực thi.

Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 tổ chức lại cơ quan quản lý cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi luật. Cụ thể, luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan quản lý cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004, bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh.

“Có thể thấy rằng, đó chính là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan quản lý cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia không chỉ đem lại hiệu quả thực thi cao mà còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới” - bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Giám sát chính sách cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Lan, mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia còn giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Hiện Bộ Công thương đang triển khai xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật.

Bà Lan cũng cho biết, luật mới khẳng định quyền điều tra, xử lý với bất kỳ hành vi nào cho dù xảy ra ở đâu mà tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường của Việt Nam.

Phạt nặng các hành vi vi phạm, thậm chí xử lý hình sự

Đánh giá về luật mới, các chuyên gia trong ngành cũng cho biết, luật đã có sự hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh; phân biệt rõ ràng giữa các khâu, mỗi khâu gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia… đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm được quy định cụ thể và với mức xử phạt khá chặt chẽ, nghiêm minh, thậm chí có thể chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, tức là có đủ “sức” răn đe…

Theo các chuyên gia, những quy định rõ ràng, chặt chẽ về trách nhiệm hay quy định xử phạt hành vi vi phạm một cách cụ thể, nghiêm minh như vậy sẽ góp phần phát huy tối đa Luật Cạnh tranh 2018 trong thực tiễn, góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường kinh doanh tại Việt Nam./.

Tố Uyên