0 đồng

Đây là một trong rất nhiều quy định đặc thù liên quan đến quy trình, phương thức xử lý ngân hàng yếu kém được NHNN đề xuất tại Dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu mới được công bố.

Nhiều quy định đặc thù cho ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Tại tờ trình dự thảo, NHNN nêu ra rất nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình xử lý TCTD yếu kém. Trong đó, nhiều yếu kém căn bản của các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc chưa được giải quyết hiệu quả. Quy mô nợ xấu và tài sản không sinh lời của các ngân hàng này hiện rất lớn. Việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể. Nguyên nhân của tồn tại này do nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các TCTD yếu kém.

Đơn cử như, các TCTD yếu kém nói chung và các ngân hàng mua bắt buộc nói riêng không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn,... để triển khai một số hoạt động kinh doanh như một TCTD bình thường do thực trạng tài chính yếu kém. Tuy nhiên, hiện nay, Luật các TCTD 2010 chưa có các quy định cụ thể về để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD đang bị KSĐB, điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa TCTD bị KSĐB với TCTD khác, do vậy, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các TCTD khác cho TCTD bị KSĐB còn hạn chế.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý TCTD yếu kém, dự thảo Luật đã quy định cụ thể nhóm các biện pháp hỗ trợ phục hồi.

Đối với biện pháp hỗ trợ thực trạng hoạt động, dự thảo quy định nhóm giải pháp gồm: TCTD được KSĐB không phải tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Luật các TCTD; TCTD được KSĐB thực hiện các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt. Việc xác định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD được KSĐB được thực hiện dựa trên vốn điều lệ danh nghĩa hoặc số vốn điều lệ được góp them vào TCTD được KSĐB; Việc trích lập dự phòng rủi ro của TCTD được KSĐB được thực hiện phù hợp với thực trạng kết quả chênh lệch thu chi trong hoạt động của TCTD được KSĐB trong từng thời kỳ; Các biện pháp khác theo phương án đã được phê duyệt.

Về nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính, ngân hàng thương mại sẽ được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau: Bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho VAMC; Vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của NHNN theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt; Được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; Được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của TCTD yếu kém, tối đa không quá 10 năm và các biện pháp khác theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Cán bộ tham gia xử lý không phải chịu trách nhiệm về kết quả xử lý TCTD yếu kém

Bên cạnh đó, theo dự thảo, việc khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ, công chức tham mưu của NHNN, thành viên Ban KSĐB, các nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của NHNN do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém.

Do đó, để bảo vệ những người tham gia xử lý TCTD yếu kém đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng phương án xử lý TCTD yếu kém đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phụ thuộc vào kết quả xử lý TCTD yếu kém (trong nhiều trường hợp, do các yếu tố khác nhau mà việc xử lý TCTD yếu kém không đạt được kết quả như mong muốn), dự thảo Luật quy định: Khi tham gia xử lý TCTD yếu kém, cán bộ, công chức NHNN, thành viên Ban KSĐB, nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý TCTD yếu kém.

Ngoài ra, NHNN cũng nêu rõ, Luật này không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến nợ xấu, tình trạng yếu kém của TCTD. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân này được thực hiện theo quy định pháp luật./.

H.Y