PV: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Thuế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông đánh giá ra sao về công tác hỗ trợ của ngành Thuế trong thời gian qua?

Ngành Thuế, Hải quan nỗ lực, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Ông Trần Thanh Quyết

Ông Trần Thanh Quyết: Tôi đánh giá cao sự chủ động và linh hoạt của ngành Thuế trong việc đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Ngành Thuế đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc triển khai các giải pháp miễn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các biện pháp trên đã trực tiếp hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, với việc triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (Etax Mobile) và Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam cũng đã góp phần tích cực đến công tác thu ngân sách trong và sau đại dịch.

Như chúng ta thấy, đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó có 6 NCCNN lớn như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương hàng trăm tỷ đồng. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ đồng…

Tôi cho rằng đây là tín hiệu khá tích cực. Việc thu được thuế của các NCCNN không chỉ cho thấy chúng ta khẳng định được chủ quyền quản lý thuế hoạt động kinh doanh này, mà còn cho thấy, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, pháp luật của chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào quốc tế.

PV: Cũng như ngành Thuế, ngành Hải quan đã có những sáng kiến, giải pháp cụ thể, kịp thời nhằm khơi thông dòng chảy thương mại, góp phần đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường mới và trở thành điểm sáng của nền kinh tế, trong 2 năm đại dịch. Những nỗ lực này của ngành Hải quan được ghi nhận ra sao dưới góc nhìn của doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Trần Thanh Quyết: Có thể nói chưa bao giờ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa lại trầm trọng như trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành Hải quan cũng đã chứng tỏ sự chủ động và sáng tạo của mình trong việc góp phần khơi thông dòng chảy thương mại; qua đó, hạn chế các tác động tiêu cực của việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường; giúp doanh nghiệp không quá thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho quá trình sản xuất, cũng như đảm bảo việc cung ứng hàng hóa đối với khách hàng và nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Với nhiều giải pháp linh hoạt trong việc đơn giản hóa thủ tục, ngành Hải quan cũng đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc kê khai, thông quan hàng hóa; thông qua đó tăng cường hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp.

PV: Để tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã phát đi thông điệp yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Theo ông, ngành Thuế và Hải quan cần có những giải pháp gì để thực hiện thông điệp trên của Chính phủ?

Ông Trần Thanh Quyết: Thông điệp của Chính phủ là rất rõ ràng và vai trò của ngành Thuế và Hải quan là then chốt trong việc hiện thực hóa thông điệp này. Như chúng ta biết, thuế và hải quan là hai ngành có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, ngoài việc chủ động, quyết liệt trong triển khai các chủ trương đúng đắn của Chính phủ vào thực tiễn thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt là các kinh nghiệm thực tế của mình, hai ngành cần chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Sau giai đoạn đại dịch, mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mỗi địa phương cũng có những đặc thù khác nhau, nên ngành Thuế và Hải quan cũng cần có sự linh hoạt, để một mặt vẫn thực hiện chủ trương của Chính phủ nhưng mặt khác, vẫn lắng nghe nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp và đồng hành hiệu quả với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chủ trương trên.

Đặc biệt hơn, để quản lý hiệu quả các nguồn thu, thời gian tới, ngành Thuế cần nắm bắt, cập nhật đầy đủ các thông tin, chủ động và tích cực trong quá trình đàm phán và hoàn thiện các nguyên tắc cụ thể thông qua các hiệp định thuế; nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thu thuế, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia khác để sẵn sàng ứng phó với những biến động trong giai đoạn có nhiều biến đổi này.

PV: Xin cảm ơn ông!