Xuất hóa đơn từng lần bán hàng - lợi ích từ nhiều phía

PV: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen Bộ Tài chính và cơ quan thuế các cấp đã cơ bản thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Là một chuyên gia thuế, ông có bình luận gì về nỗ lực đã được ghi nhận này của ngành Thuế và Bộ Tài chính?

Xuất hóa đơn từng lần bán hàng - lợi ích từ nhiều phía
TS. Phan Hoài Nam

TS. Phan Hoài Nam: Tôi nghĩ rằng, việc Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp tại các địa phương về việc triển khai thành công HĐĐT tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho thấy tầm quan quan trọng của nỗ lực này đối với việc cải thiện hệ thống thuế và quản lý ngân sách nhà nước. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân cùng Chính phủ, trong quá trình cải cách hành chính và tuân thủ pháp luật.

Ghi nhận kết quả từ sự đồng lòng, nỗ lực

Ngày 5/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư khen Bộ Tài chính và cơ quan thuế các cấp đã cơ bản thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong thư, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, khen thưởng các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Tôi đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà ngành Thuế và Bộ Tài chính đã đạt được. Việc thực hiện thành công HĐĐT không chỉ là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh mà còn là cơ sở vững chắc để tăng cường quản lý thuế và ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế trong kinh doanh xăng dầu.

Từ việc này chúng ta thấy rõ rằng, sự đồng thuận và nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu suất quản lý và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

PV: Theo ông, việc xuất HĐĐT cho khách hàng sau mỗi lần bán mang lại lợi ích gì cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?

TS. Phan Hoài Nam: Việc xuất HĐĐT cho khách hàng sau mỗi lần bán hàng hóa mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người dân và doanh nghiệp, mà trong trường hợp này là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đối với người dân, việc nhận được HĐĐT sau mỗi lần mua hàng là một bằng chứng về mỗi lần giao dịch mua bán, giúp tăng sự minh bạch và tự tin hơn trong quá trình mua bán. HĐĐT cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, số lượng, giá cả và thông tin về cửa hàng bán hàng. Điều này giúp người dân dễ dàng kiểm tra và đối chiếu thông tin, từ đó ngăn chặn tình trạng gian lận và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp, hóa đơn điện tử giúp tăng tính chính xác và minh bạch trong quản lý kế toán. Thông qua HĐĐT, các doanh nghiệp có thể tự động ghi nhận và lưu trữ thông tin về giao dịch một cách chính xác và hiệu quả, giúp quản lý và kiểm soát chi phí nhiên liệu hiệu quả hơn.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, việc đẩy mạnh yêu cầu xuất HĐĐT sau mỗi lần bán xăng dầu giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ và chấp hành pháp luật về thuế.

PV: Việc công khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu có ý nghĩa như thế nào đối với cơ quan thuế trong việc kiểm soát việc phát hành hóa đơn, cũng như ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, thưa ông?

TS. Phan Hoài Nam: Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng, việc xuất hóa đơn mỗi lần bán xăng dầu đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT xăng dầu, căn cứ theo Khoản 1, Điều 90, Luật Quản lý thuế 2019. Người bán cần phải lập HĐĐT theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về thuế và pháp luật về kế toán, bất kể giá trị từng lần bán hàng hóa là bao nhiêu.

Về thời điểm lập HĐĐT xăng dầu, theo Điểm i, Khoản 4, Điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thì thời điểm lập HĐĐT xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.

Việc công khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường khả năng kiểm soát của cơ quan thuế và ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, từ đó hạn chế thất thu ngân sách nhà nước.

Vì vậy, việc phát hành HĐĐT công khai giúp cơ quan thuế có khả năng theo dõi và kiểm tra các giao dịch mua bán một cách chặt chẽ hơn. Thông qua HĐĐT, các thông tin về giao dịch bán xăng dầu được ghi nhận và báo cáo một cách minh bạch và chính xác. Điều này giúp cơ quan thuế có thể đối chiếu thông tin và phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, từ đó thực hiện các biện pháp kiểm tra và xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giám sát thông qua cơ chế hướng dẫn và hỗ trợ một cách linh hoạt

Theo TS. Phan Hoài Nam, khi đẩy mạnh thực hiện chính sách này, số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ có thể lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mỗi tháng trong ngành xăng dầu. Nên lúc đầu, điều này có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp khi phải sắm trang thiết bị, bổ sung nguồn nhân lực và nguồn vốn.

“Vì vậy, để đảm bảo rằng các cửa hàng xăng dầu thực hiện nghiêm việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng trong thời gian tới, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần thực hiện các biện pháp giám sát thông qua cơ chế hướng dẫn và hỗ trợ một cách linh hoạt và đi sâu vào thực tiễn vì đây là một ngành nghề rất đặc thù” - TS. Nam nhấn mạnh.

Cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với ngành xăng dầu, thông qua các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trong ngành này để ghi nhận và xử lý các vướng mắc thực tiễn. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin để doanh nghiệp có thể theo đó triển khai công nghệ mới đi kèm giải pháp phù hợp với yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, cũng cần có giải pháp tốt hơn về mặt chính sách kết hợp với công nghệ áp dụng. Theo quy định trước đây, doanh nghiệp có thể lập một hóa đơn tổng hợp trong ngày khi bán lẻ xăng dầu. Theo quy định mới thì phải lập theo từng bán hàng. Quy định mới giúp chống thất thu thuế hiệu quả hơn và chống gian lận trong ngành xăng dầu, nhưng trước mắt có thể trong quá trình thực hiện sẽ có những điểm nghẽn phát sinh cho doanh nghiệp trong ngành này.

Do đó, vấn đề áp dụng công nghệ sẽ là vấn đề cốt lõi để tăng cường tính tuân thủ nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh và tiêu dùng không bị tắc nghẽn. Để hài hòa giữa việc quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh xăng dầu cần sự chia sẻ, đồng hành giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp ngành xăng dầu trong thời gian tới.