Doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện thực chất hơn
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, gần đây đã có những chuyển biến tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào tình hình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thời gian vừa qua?

Ông Đậu Anh Tuấn: Thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những trọng tâm ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, doanh nghiệp thì Việt Nam gần đây đã có những chuyển biến rất tích cực về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy so với nhu cầu hay mong muốn của doanh nghiệp thì vẫn còn khoảng cách, nhưng tổng quan thì đã có những thay đổi đáng khích lệ.

Định kỳ hàng năm, chúng tôi đều tiến hành những khảo sát doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Họ đều đánh giá xu hướng cải cách thủ tục hành chính có những chuyển biến tương đối tốt. Khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính, từ đổi bằng lái xe cho đến các thủ tục khác thì chúng ta đều cảm nhận được sự thay đổi này. Điều này cũng được thể hiện ở những con số tích cực trong các báo cáo của Chính phủ thường kỳ hay báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính.

Một ví dụ lớn gần đây là Luật Đất đai năm 2024, về mặt tổng thể đã có những chuyển biến tương đối đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính, chẳng hạn như: giải quyết tương đối tốt vấn đề về chồng chéo, xung đột giữa các luật. Đây là một vấn đề trọng tâm khi rà soát Luật Đất đai.

Ngoài ra còn nhiều những hoạt động khác thể hiện tinh thần cải cách. Thủ tục hành chính trong các đạo luật gần đây được sửa đổi, ban hành đều theo xu hướng thuận lợi hơn.

PV: Như ông vừa nói, so với nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Một số ý kiến cũng đánh giá gần đây việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh chững lại. Xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?

Doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh được cải thiện thực chất hơn

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng là nói ở góc độ khác thì những thay đổi về cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện vẫn có khoảng cách tương đối lớn so với yêu cầu thực tiễn.

Nói về cải thiện môi trường kinh doanh thì tôi tạm cho rằng, tính tới nay, Việt Nam trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp đầu những năm 2000. Khi đó, luật đã bỏ rất nhiều giấy phép con và thay đổi tư duy quản lý nhà nước về tự do kinh doanh - một giai đoạn tôi cho rằng rất quan trọng với sự phát triển của Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai là những năm 2005 - 2006, khi mà chúng ta thống nhất Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp tư nhân thành một và Luật Đầu tư với Luật Đầu tư nước ngoài. Đây là giai đoạn phân cấp thẩm quyền về địa phương rất mạnh mẽ và chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của đầu tư.

Giai đoạn thứ ba, dưới góc nhìn của chúng tôi, là giai đoạn 2017 – 2018, khi nhiều quy định được thay đổi căn bản. Ví dụ như sửa đổi quy định quản lý về thực phẩm, bỏ đến 90 % các thủ tục hành chính và thay đổi hẳn tư duy quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Có đến hàng chục nghị định đã được thay đổi theo cách thức đó, khiến cho việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn này rất mạnh mẽ.

Song từ đó đến nay, chúng tôi ít nhìn thấy những thay đổi mạnh mẽ hơn, dù số lượng công điện hay nghị quyết của Chính phủ vẫn rất lớn, thể hiện quyết tâm chính trị cao. Chính vì thế mà cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn làm sao có những thay đổi thực chất, mạnh mẽ hơn.

PV: Để cải cách có kết quả thực chất và bền vững, theo ông đâu là yếu tố quyết định?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng là để cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam có kết quả thực chất thì quan trọng là điều kiện thực thi, làm sao để những tuyên bố, cam kết về cải cách được chuyển nhanh vào thực tiễn. Suy cho cùng, nếu một chính sách tốt mà không được tổ chức thực thi tốt thì cũng không có nhiều ý nghĩa.

Dưới góc nhìn của tôi, chất lượng thực thi của bộ máy đang là vấn đề, mà yếu tố lớn nhất có lẽ là động lực thực thi. Hiện tại, khối lượng công việc của bộ máy quản lý các bộ, ngành, địa phương rất lớn, nhiều rủi ro, trong khi thu nhập thấp. Do đó, nếu đẩy mạnh cải cách nhưng không tạo cơ chế để cho bộ máy có động lực thực thi, để họ thấy được sự an toàn, thấy được lợi ích tương xứng thì cải cách khó bền vững.

Bên cạnh đó, các đề xuất cải cách phải bắt đầu từ thực tiễn, nên hoạt động tham vấn rất có ý nghĩa trong cải cách. Song thời gian qua, hoạt động này đôi lúc, đôi nơi còn nặng tính hình thức, nên chưa có nhiều ý nghĩa.

PV: Xin cảm ơn ông!

Luật Đất đai sửa đổi thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính

Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều sửa đổi quan trọng theo hướng cải cách, tạo thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính. Chẳng hạn như bỏ khung giá đất, hay là xu hướng phân cấp thẩm quyền rất mạnh. Nhiều thẩm quyền trước đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giờ đã phân cấp về địa phương. Chẳng hạn trước đây muốn làm đường điện hay đường giao thông đi qua rừng phòng hộ thì phải làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất với thủ tục cực kỳ phức tạp, lên tận Thủ tướng Chính phủ. Nhưng hiện tại thì những hoạt động này hầu như phân cấp về cho địa phương.