Thời gian tới, giá xăng dầu, gas biến động ra sao?
Giá gas bán lẻ trong nước đã “quay đầu” giảm nhẹ kể từ đầu tháng 4. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Từ đầu năm đến nay, xu hướng tăng của giá dầu thế giới rất rõ nét. Kết thúc ngày giao dịch 15/4, dầu WTI đạt 85,4 USD/thùng, dầu Brent đạt 90,10 USD/thùng, được giao dịch ở vùng giá cao nhất trong hơn 5 tháng qua.

Tính từ đầu năm, giá dầu thế giới đã tăng vọt khoảng 20%, có thời điểm chạm mốc cao nhất gần 6 tháng với giá dầu Brent lên tới 91,6 USD/thùng, dầu WTI chạm mốc 87,6 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thế giới đã ghi nhận 3 tháng đầu năm liên tục tăng và có thể đang hướng tới tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp.

Trái ngược với diễn biến giá dầu, giá khí tự nhiên trên thế giới sau khi đạt đỉnh 2 tháng vào giữa tháng 1/2024, đã liên tục lao dốc ngay sau đó, thậm chí xuống mức thấp nhất trong khoảng 3 năm rưỡi vào giữa tháng 2. Khi đó, giá khí tự nhiên Mỹ chỉ còn 1,52 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Hiện tại, giá khí đốt tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức thấp, đạt 1,7 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, thấp hơn tới khoảng 45% so với mức đỉnh trong năm nay và khoảng 32% so với hồi đầu năm.

Với độ trễ nhất định so với quốc tế, giá gas bán lẻ trong nước đã “quay đầu” giảm nhẹ kể từ đầu tháng 4. Như vậy, giá gas bán lẻ trong nước đã lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, các hãng gas tiến hành giảm giá với loại bình gas 12kg, với mức giảm 4.500 - 5.000 đồng/bình.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng đầu năm?

Thời gian tới, giá xăng dầu, gas biến động ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đối với thị trường xăng dầu thế giới, đà tăng giá chủ yếu xuất phát từ bối cảnh nguồn cung thắt chặt, gây ra bởi hai yếu tố chính.

Thứ nhất, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ tự nguyện khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong quý II/2024, đưa thị trường vào trạng thái thâm hụt khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày trong quý II.

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị gia tăng, gây ra rủi ro gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng đã thúc đẩy giá dầu trong thời gian qua. Đầu tiên là khu vực Trung Đông, với xung đột Hamas và Israel vẫn chưa có hồi kết, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng ra khu vực sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Gián đoạn thương mại hàng hải ở Biển Đỏ cũng kéo dài, ảnh hưởng tới chi phí bảo hiểm và vận chuyển nhiên liệu. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine còn gây ra gián đoạn nguồn cung cục bộ, khi các nhà máy lọc dầu của Nga liên tục gặp thiệt hại, làm ảnh hưởng tới khoảng 15% công suất lọc dầu của Nga trong thời gian qua. Những yếu tố này đã kéo giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Giá xăng dầu trong nước vì thế cũng được điều chỉnh tăng tương ứng.

Trong khi đó, đối với thị trường khí đốt, đà giảm mạnh của giá thế giới chủ yếu là do nhu cầu sụt giảm tại các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu trước tình hình thời tiết ấm hơn dự kiến do biến đổi khí hậu và mô hình thời tiết El Nino. Ngoài ra, tồn kho khí đốt liên tục tăng cao đã gây sức ép mạnh lên giá. Tồn kho khí tại Mỹ cao hơn khoảng 5% so với mức trung bình theo mùa. Các kho lưu trữ của châu Âu cũng đã đầy gần 60%, cao hơn 45% so với mức trung bình trong 5 năm.

Mặc dù giá khí thế giới liên tục giảm trong các tháng đầu năm, nhưng giá khí gas trong nước thường có độ trễ nhất định, nên mới chỉ điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 4. Hơn nữa, nguồn cung và nhu cầu khí gas trong nước thường duy trì ở mức tương đối ổn định.

PV: Dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao khi nhiều nhận định căng thẳng Iran - Israel có thể khiến giá mặt hàng này tăng mạnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Hiện nay, bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, đặc biệt tại khu vực Trung Đông đang gây ra khá nhiều rủi ro cho dòng chảy năng lượng thế giới. Với căng thẳng mới nhất giữa Iran - Israel, tôi cho rằng sẽ có hai kịch bản đối với giá xăng dầu.

Nếu căng thẳng hạ nhiệt, thì đà tăng của giá xăng dầu cũng được kiềm chế đáng kể. Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản ít rủi ro này, giá dầu thế giới vẫn có thể duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng trong quý II do tác động từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+. Khi đó, giá xăng trong nước sẽ ổn định ở khoảng 22.000 - 25.000 đồng/lít.

Còn ở khả năng thứ 2 tiêu cực hơn, mặc dù khó xảy ra hơn, nhưng chúng ta vẫn nên cảnh giác. Đó là khi xung đột gia tăng đe dọa tới hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu thô của eo biển Hormuz do Iran kiểm soát, thì sẽ đẩy giá dầu có nguy cơ chạm ngưỡng 100 USD/thùng.

Bởi đây là eo biển rất quan trọng với thương mại thế giới, chiếm đến 20% lượng dầu toàn cầu được lưu thông mỗi ngày. Giá xăng trong nước sẽ tăng mạnh trong kịch bản này, nhưng có thể sẽ được các cơ quan quản lý có các biện pháp bình ổn và hạn chế biến động giá.

Đối với giá khí tự nhiên, tôi cho rằng xu hướng chính trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục giảm khi các nước tiêu thụ lớn bước vào mùa nhu cầu thấp điểm, trong khi nguồn cung tương đối dồi dào. Giá gas trong nước vào tháng tới nhiều khả năng cũng sẽ được giữ nguyên hoặc giảm nhẹ theo diễn biến giá thế giới. Tuy nhiên, nếu như căng thẳng tại Trung Đông leo thang, giá khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng trên thế giới và trong nước cũng sẽ khó tránh khỏi các đợt tăng giá.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giá xăng trong nước cao hơn hồi đầu năm khoảng 12%

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đối với thị trường nội địa, giá xăng dầu trong nước cũng có chiều hướng tăng tương tự xu hướng thế giới. Sau kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 11/4, giá xăng RON 95-III được bán với mức giá 24.821 đồng/lít, xăng E5 RON 92 đạt mức 23.848 đồng/lít. Giá của cả hai loại xăng đều cao hơn hồi đầu năm khoảng từ 2.800 - 3.000 đồng/lít, tương đương khoảng 12%.