Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Tăng tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (bên trái) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 23/4. Ảnh tư liệu

Sửa ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình cho hay, cần thiết phải ban hành Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước…

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự thảo luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Một trong những nội dung sửa đổi tại dự thảo luật được quan tâm là đối tượng không chịu thuế GTGT. Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định rõ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ví dụ kinh doanh chứng khoán; chuyển nhượng vốn; phần mềm máy tính…

Quy định đối tượng không chịu thuế GTGT là “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” cũng được sửa đổi thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” để đảm bảo linh hoạt, chủ động, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Thu hẹp đối tượng áp dụng thuế suất 5%

Ngoài ra, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế, ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập...

Bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Dự thảo luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%, dự thảo luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên của UBTVQH thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục những vướng mắc, bất cập, tháo gỡ chống chéo, tạo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và đặc biệt là thực hiện chiến lược cải cách về thuế.

Mức thuế hiện nay là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp

Góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn mức thuế suất của Việt Nam hiện đang ở mức 5 - 10%, còn các nước xung quanh thuế suất đã cao hơn mức này. Trong khi đó, chúng ta chưa có lộ trình để tiếp cận dần thông lệ của quốc tế.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ tác động của các đối tượng chịu ảnh hưởng, như đối tượng được hưởng thuế GTGT 5%; đồng thời, làm rõ hơn về quy trình, thủ tục, điều kiện hoàn thuế để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Lo ngại về các hành vi gian lận thuế, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ hơn quy định về các hành vi bị cấm tại dự thảo luật. Mặc dù nhiều hành vi bị cấm đã được quy định tại Luật Quản lý thuế, song Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, thuế GTGT có đặc thù, nên cần làm rõ để khắc phục hiện tượng như là gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm lừa đảo chiếm đoạt thuế và khai khống hóa đơn GTGT…

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính đã khởi động quá trình sửa các luật thuế, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế. Về cơ bản, dự thảo luật đã tập trung khắc phục được những mâu thuẫn, thiếu thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Để hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề như thuế suất thuế GTGT với phân bón; thuế GTGT với thu mua nông sản, thủy hải sản...

Phát biểu tiếp thu, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là dự án Luật liên quan đến lợi ích của hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, do đó trong quá trình soạn thảo đã có rất nhiều ý kiến, từ phía cả doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành.

Về ý kiến thuế suất của các nước hiện ở mức cao, còn Việt Nam vẫn chỉ là 5 - 10%, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng, hiện tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, những năm gần đây thuế suất thuế GTGT đã giảm chỉ còn 8%. Mức thuế hiện nay cũng là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đối với đề nghị quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, làm rõ trình tự thủ tục trong dự thảo luật, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực ra dự thảo luật đã có các quy định này, song tới đây sẽ được báo cáo Chính phủ để quy định làm rõ hơn nữa. Trước thực tế các hành vi gian lận, vi phạm liên quan đến thuế GTGT vẫn còn nhiều, các quy định phải đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Ngoài ra, đối với các vấn đề cụ thể như thuế suất thuế GTGT với phân bón, các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0%... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ có báo cáo giải trình cụ thể để UBTVQH, Quốc hội xem xét.

Cân nhắc quy định lộ trình tăng thuế suất

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, thuế suất trung bình trong khu vực châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, khối OECD 19%, EU 22%, thuế suất trung bình toàn cầu hiện nay là 15%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, so sánh này cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế GTGT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Một số nước, trong đó có các nước trong khu vực ASEAN, đã và đang tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Indonesia đã tăng thuế suất từ 10% lên 11% vào tháng 4/2022. Singapore đã tăng thuế suất theo lộ trình 2 năm, từ 7% lên 8% vào 1/2023 và 9% vào 1/2024.

Mặt khác, cơ quan thẩm tra cho biết Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình”. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để có thể cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026 - 2030.